Nhiệm kỳ mới, sức sống mới
Chính trị - Ngày đăng : 07:14, 12/08/2010
Thành tựu ấn tượng
Các nhà báo tác nghiệp. Ảnh: Nguyệt Ánh
60 năm qua, Hội Nhà báo Việt Nam (HNBVN) trải qua 8 kỳ đại hội. Qua mỗi nhiệm kỳ, Hội lại có những bước tiến mới. Trong nhiệm kỳ VIII (2005-2010), HNBVN đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào. Hoạt động nghiệp vụ được Ban Chấp hành xác định là một trong những trọng tâm trong chương trình công tác toàn khóa. Trong suốt 5 năm qua, hoạt động nghiệp vụ luôn luôn được duy trì và có nhiều đổi mới, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển chung của báo chí nước nhà. Hội đã xây dựng và hoàn thiện đề án hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao cho các Hội Nhà báo ở Trung ương và địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai hiệu quả trong cả nhiệm kỳ. Việc thực hiện đề án đã giúp các nhà báo có thêm điều kiện đi sâu tìm hiểu thực tế, viết về những đề tài khó và góp phần nâng cao chất lượng các tác phẩm báo chí phản ánh những đề tài này. Cùng với việc nâng cấp Giải Báo chí toàn quốc thành Giải Báo chí quốc gia, đề án này đã góp phần thu hút hội viên ngày càng gắn bó với Hội.
Bên cạnh đó, với hàng loạt thành công về công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, chủ động góp ý kiến, kiến nghị xây dựng các chế độ, chính sách, các quy định liên quan đến hoạt động báo chí, hoạt động đối ngoại… các cấp Hội Nhà báo đã thể hiện một tinh thần làm việc trách nhiệm, tâm huyết và ngày càng định hình rõ nét vị trí, vai trò trong đời sống xã hội.
Hiện nay, cả nước có 706 cơ quan báo in (trong đó có 76 báo TƯ, 102 báo địa phương, 528 tạp chí), 21 báo điện tử, 160 trang tin điện tử của các cơ quan báo in; 76 đài phát thanh, truyền hình với trên 17.000 hội viên. Những con số này cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của báo chí trong những năm gần đây. Với lực lượng như vậy, báo chí Việt Nam đã và đang đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin của người dân, tham gia tích cực vào công việc chung của cộng đồng, bảo vệ lợi ích quốc gia, đóng góp cho tiến bộ xã hội, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. HNBVN đã được tặng Huân chương Sao Vàng cao quý nhân dịp 85 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam. Trong thành công đó, có vai trò rất quan trọng của HNBVN - "Ngôi nhà chung" của những người làm báo Việt Nam.
Sức sống mới cho làng báo
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của HNBVN khai mạc vào hôm nay 12-8 giữa lúc đại hội Đảng các cấp diễn ra sôi nổi trên cả nước. Đất nước đang hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI với những kỳ vọng lớn lao về thời kỳ phát triển đi lên mạnh mẽ của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong tiến trình đó, HNBVN với vai trò và sứ mệnh của mình, đang tiếp tục phát huy truyền thống, đóng góp ngày càng hiệu quả hơn cho đất nước.
Có 4 nhiệm vụ mà HNBVN cần lưu tâm và làm tốt hơn nữa trong nhiệm kỳ mới. Thứ nhất, tham gia xây dựng pháp luật, chính sách, tạo hành lang pháp lý và quy chuẩn đạo đức cho báo chí và các nhà báo hoạt động ngày càng hiệu quả. Thứ hai, bồi dưỡng, đào tạo các nhà báo. Thứ ba, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa báo chí và quần chúng, giữa cơ quan báo chí với công chúng. Thứ tư, mở rộng hơn nữa quan hệ quốc tế, làm cầu nối phát huy ảnh hưởng của báo chí trong nước ra khu vực và thế giới. Đây là những điều tâm huyết của nhà báo Phan Quang, nguyên Chủ tịch HNBVN, cũng là tâm tư của nhiều hội viên HNBVN khắp cả nước.
Trong số những vấn đề cốt tử, lâu dài nói trên, gần đây nổi lên những đòi hỏi thực tế mang tính cấp thiết mà nhiều hội viên mong muốn Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2010-2015 quan tâm kịp thời bằng những kế hoạch, chương trình hành động cụ thể ngay sau đại hội. Trước hết, đó là việc đề xuất Nhà nước đổi mới cơ chế, chính sách thuận lợi về mặt kinh tế cho báo chí. Báo chí đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế với khả năng quảng bá, kết nối sản phẩm hàng hóa với người tiêu dùng. Đây là một đóng góp mới mẻ của báo chí thời kỳ đổi mới, rất đáng được tôn vinh, tạo điều kiện phát huy. Hiện nay, vẫn tồn tại suy nghĩ coi HNBVN như một hội nghề nghiệp đơn thuần, trong khi trên thực tế, HNBVN mang tính chất "chính trị, xã hội, nghề nghiệp". Nhiều hội viên cho rằng, HNBVN cần chủ động tham mưu để thay đổi thực tế này. Mặt khác, nhiều ý kiến cho rằng, nhà báo còn gặp rất nhiều rào cản trong hoạt động, chưa được pháp luật bảo vệ một cách xứng đáng để làm tròn thiên chức cao cả. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhà báo thường bị gây khó khăn trong quá trình tác nghiệp. Một vấn đề khác được nhiều hội viên nói đến là sự phát triển không đồng đều giữa báo chí các vùng miền. Dẫu biết rằng, sự chênh lệch không chỉ riêng trong lĩnh vực báo chí, nhưng với sự cố gắng thực sự, các cấp Hội Nhà báo mà trước hết là Ban Chấp hành HNBVN khóa mới có thể giảm bớt sự chênh lệch này.
Qua việc tập trung vào những vấn đề chủ yếu, thiết thực này, HNBVN sẽ đem lại sức sống mới cho nền báo chí Việt Nam trong nhiệm kỳ mới.
Hiện nay, Hội Nhà báo Việt Nam có 17.763 hội viên, sinh hoạt trong 263 đơn vị hội, trong đó có 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 16 liên chi hội, 184 chi hội nhà báo trực thuộc. Trong nhiệm kỳ VIII (2005-2010), có 5.607 hội viên mới được kết nạp và 45 tổ chức hội được thành lập mới. Hội Nhà báo Việt Nam là thành viên của Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ) từ năm 1950 và thành viên Hiệp hội Báo chí ASEAN (CAJ) từ năm 1996 |
Nhà báo Đào Nguyên Cát, TBT Thời báo Kinh tế Việt Nam (84 tuổi, hội viên cao tuổi nhất dự đại hội): Phục vụ cách mạng, báo chí cần được tạo điều kiện về kinh tế Suốt 20 năm qua, tờ báo của chúng tôi đã "sống" và phát triển được là nhờ cơ chế đổi mới của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay, về mặt kinh tế, báo chí còn rất nhiều khó khăn. Trước đây báo không phải nộp thuế hoặc có bị tính thuế, nhưng sau đó Nhà nước lại đầu tư trở lại cho cơ sở vật chất. Nhưng hiện nay, báo chí không được ưu đãi nữa, mà phải nộp thuế đến 28% thu nhập. Mức thuế này là cao và không phù hợp với trách nhiệm chính trị, xã hội mà báo chí đang gánh vác. Báo chí Việt Nam là báo chí cách mạng, phục vụ cách mạng. Nhà báo Giang Minh Chánh, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Cần Thơ: Cần tháo gỡ "3 không" BCH Hội Nhà báo Việt Nam khóa IX phải tháo gỡ cho được khó khăn của các cấp hội hiện nay. Theo tôi, thứ nhất là cần tháo gỡ được "3 không", đó là không cán bộ chuyên trách, không kinh phí hoạt động và không trụ sở làm việc. Có như vậy hoạt động của hội mới đủ điều kiện và sức mạnh để tập hợp hội viên. Thứ hai là phải lo cho hội viên của mình về nhận thức chính trị và nâng cao trình độ nghiệp vụ. Có như thế anh em mới tự tin, có tự tin thì mới có các tác phẩm chất lượng. Nhà báo Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó TBT Báo Thừa Thiên Huế:Xây dựng rào chắn bảo vệ nhà báo Tôi và nhiều đồng nghiệp rất tâm đắc với ý kiến của anh Đinh Thế Huynh (TBT Báo Nhân dân) rằng nhà báo cũng chính là những người thi hành công vụ. Trung ương Hội cần chủ động xây dựng và góp phần xây dựng những rào chắn bảo vệ nhà báo trong quá trình thi hành công vụ. Mà trước hết là cần thúc đẩy việc xác lập bằng pháp luật rằng hoạt động của nhà báo là thi hành công vụ. Có như vậy, các nhà báo mới tự tin, hết mình với công việc, chuyển tải những thông điệp tốt nhất đến với người đọc, góp tiếng nói phản biện vì mục đích phát triển của xã hội. Nhà báo Hoàng Văn Thành, TBT Báo Điện Biên Phủ: Hội phải thực sự là mái nhà chung của người làm báo Các cấp hội phải phấn đấu để thực sự trở thành mái nhà chung và sân chơi bình đẳng, công bằng và dân chủ cho người làm báo. Muốn vậy, theo tôi, ngay sau đại hội, Ban Chấp hành khóa mới cần có ngay một chương trình hành động chi tiết. Trong đó trước hết cần quan tâm mấy việc: các hoạt động phải gắn chặt với lợi ích của hội viên, để người ta thấy nơi đây thực sự là nơi người ta cần đến và gắn bó. Hội cần thể hiện mạnh mẽ việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp, quyền hoạt động của hội viên, đồng thời bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho anh em và quan tâm hơn đến các giải báo chí. Theo tôi, Hội cũng nên quan tâm đến việc bổ sung kinh phí thực hiện đề án hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao cho các vùng núi, vùng khó khăn để khuyến khích anh em đóng góp. Ngọc Hà thực hiện |