Không chỉ lãng phí ngân sách
Xã hội - Ngày đăng : 07:37, 11/08/2010
Một công trình giao thông trọng điểm tại TP Hồ Chí Minh. |
Vẫn chuyện giải phóng mặt bằng
Dự án xây dựng cầu vượt Gò Dưa (nút giao lộ QL1A) và tỉnh lộ 43 (phường Tam Bình, Bình Chiểu quận Thủ Đức) có tổng kinh phí 189 tỷ đồng, được Bộ GTVT giao cho Ban quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư từ năm 2003, còn UBND TP Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm đền bù, giải phóng mặt bằng. Sau 2 năm thi công, cầu vượt, hạng mục chính đã hoàn thành, nhưng gần 5 năm trôi qua cây cầu vượt này vẫn chưa thể đưa vào sử dụng vì các tuyến đường nhánh chưa thể thi công do không có mặt bằng. Trong khi những hộ dân nằm trong khu vực cầu vượt Gò Dưa bị giải tỏa luôn sống trong cảnh khốn khổ vì nhà cửa hư hại, xuống cấp. Ông Phạm Thanh Hải nhà số 71, đường Gò Dưa nói: "Thấy công trình tiền tỷ của nhà nước bị phơi sương ai cũng xót. Nhưng bà con ở đây không ai dám tháo dỡ nhà, giao mặt bằng, dù biết rằng bám trụ ở lại quá khổ nhưng nhận tiền, giao nhà khi thủ tục pháp lý chưa chắc thì không an tâm.
Nguyên nhân chậm tiến độ là do thủ tục pháp lý thu hồi đất trái quy định pháp luật. Chính ông Lê Văn Lộc, Phó Chủ tịch UBND quận, Chủ tịch Hội đồng bồi thường quận Thủ Đức đã có văn bản xin lỗi công khai người dân vì "kiểm kê, áp giá, chi trả bồi thường nhưng chưa có quyết định thu hồi giao đất bổ sung, việc kiểm kê áp giá chưa đúng với quy định pháp luật". Đầu năm 2010, UBND TP Hồ Chí Minh đã đồng ý chi thêm 100 tỷ đồng, tăng mức hỗ trợ, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn chưa làm người dân an lòng, vì điều vướng mắc hiện nay là tính pháp lý về giải tỏa, đền bù, thu hồi đất.
Cũng ngay tại quận Thủ Đức, dự án cải tạo ô nhiễm kênh Bà Bò cũng đang phát sinh thêm hàng chục tỷ đồng tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Thậm chí có trường hợp do cán bộ "hiểu sai" nên "chi nhầm" cho đối tượng số tiền chênh lệch phải thu hồi là 3,452 tỷ đồng. Trong khi đó người dân khu vực này đang phải hứng chịu nạn ô nhiễm môi trường từ hệ thống nước thải vùng đầu nguồn từ các KCN của tỉnh Bình Dương gây ra còn công trình thì chưa biết đến bao giờ xong vì đang phải giải quyết hậu quả của việc chi sai này.
Báo động công trình đội vốn
Yếu kém trong điều hành, quản lý đã và đang phát sinh nhiều hệ lụy, tác động tiêu cực đời sống người dân và gây thất thoát lãng phí. Có nhiều công trình tổng vốn dự án đã đội lên gấp hai, ba lần. Nhiều dự án trọng điểm khác như cầu Nguyễn Văn Cừ (từ 240 tỷ đồng lên 370 tỷ đồng); đường Nguyễn Hữu Cảnh (phát sinh 142 tỷ đồng sửa chữa hạng mục cầu Văn Thánh). Có những cây cầu nhỏ như cầu Trần Khánh Dư (bắc qua kênh Nhiêu Lộc từ quận 1 sang quận 3) vốn ban đầu chỉ 17 tỷ đồng, sau 11 năm "trùm mền" giờ đã tăng lên 107 tỷ đồng, nhưng chưa biết bao giờ mới khởi công.
Một điều đáng lo ngại nữa là các công trình có vốn vay ODA đều "đội vốn" với tốc độ chóng mặt. Đơn cử, là dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, vay ODA của WB, đáng lẽ hoàn thành vào năm 2008, song bởi nhiều lý do đến nay vẫn chưa hoàn thành. Tổng vốn đầu tư ban đầu là 200 triệu USD nay đã lên gần 320 triệu USD và con số này có thể chưa dừng lại ở đây. Đặc biệt là tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã tăng từ 1,1 tỷ USD lên 2,3 tỷ USD…
Công trình trì trệ, vốn đầu tư tăng vọt khiến dư luận hết sức bất bình nhưng chưa thấy cá nhân, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm. Tiền thuế của người dân góp vào ngân sách bị đem sử dụng lãng phí, còn gánh nặng ODA oằn vai thế hệ con cháu. Theo ông Đậu An Phúc - Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT) - để tránh tình trạng chậm trễ tại các dự án trọng điểm, Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch và lộ trình triển khai các dự án thật cụ thể, trên cơ sở đó tính đến phương án rút vốn hoặc đề xuất dừng các dự án kém hiệu quả, gây chậm trễ, làm tăng giá.