Đổi mới toàn diện, phấn đấu thành huyện công nghiệp
Chính trị - Ngày đăng : 07:18, 11/08/2010
Đột phá từ công tác cán bộ
Cụm công nghiệp Hà Bình Phương, huyện Thường Tín. Ảnh: Bá Hoạt
Huyện ủy Thường Tín đã chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có phẩm chất chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn và trách nhiệm với nhiệm vụ được giao. Từ năm 2005 đến nay, huyện đã phối hợp đào tạo được 167 cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng; 179 cán bộ có trình độ trung cấp lý luận chính trị; 40 cán bộ học cao cấp, cử nhân chính trị. Hiện nay, gần 100% số cán bộ trưởng, phó ngành cấp huyện đã có trình độ đại học. Cùng với nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, Đảng bộ huyện quán triệt đổi mới phương thức lãnh đạo tới các cấp ủy đảng với phương châm hướng về cơ sở, tăng cường phân cấp, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của từng tập thể cấp ủy; quá trình chỉ đạo bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, rõ người, rõ việc, rõ thời gian hoàn thành. Đặc biệt, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện của cán bộ, đảng viên và nhân dân được gắn chặt với cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; 40 năm thực hiện Di chúc của Người. Nhờ vậy, một mặt góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể vững mạnh, mặt khác nâng cao đạo đức cách mạng, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí.
Thường trực Huyện ủy tăng cường chỉ đạo và làm việc với cấp ủy cơ sở, trong lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm tính nghiêm túc theo quy chế làm việc, coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo bằng nghị quyết, tổ chức thực hiện bằng chương trình, kế hoạch gắn với kiểm tra đôn đốc thường xuyên và đề cao vai trò trách nhiệm của tập thể cấp ủy. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy, kịp thời phát hiện, uốn nắn, khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm.
Phát huy lợi thế để phát triển bền vững
Kết quả nổi bật nhất của Đảng bộ huyện Thường Tín là đã khai thác hiệu quả thế mạnh, tạo đà bứt phá cho nền kinh tế phát triển theo hướng bền vững, toàn diện. Trong 5 năm (2005-2010), GDP tăng trưởng khá, bình quân 13,6%; thu nhập đầu người 13,5 triệu đồng/năm. Đáng chú ý, kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) có mức tăng trưởng cao và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Năm 2010, ước tính giá trị sản xuất của ngành này đạt khoảng gần 2.000 tỷ đồng, tăng 3,38 lần so với năm 2005; tốc độ tăng bình quân 27,7%/năm, vượt mục tiêu Đại hội XXI đặt ra. Toàn huyện có 126 làng nghề, trong đó có 44 làng được công nhận danh hiệu làng nghề; thu hút 109 doanh nghiệp đầu tư, 364 hộ sản xuất, kinh doanh tại các cụm, điểm công nghiệp với tổng vốn đăng ký 5.552 tỷ đồng, trong đó vốn thực hiện gần 5.000 tỷ đồng. Để những năm tới phấn đấu thành huyện công nghiệp, huyện đã trình Chính phủ phê duyệt và tiến hành lập quy hoạch chi tiết 2 khu công nghiệp là Phụng Hiệp và Bắc Thường Tín và một cụm công nghiệp Hà Hồi - Quất Động; hoàn thành xây dựng hạ tầng và giao đất tại 6 cụm công nghiệp Liên Phương, Quất Động, Hà Bình Phương, Duyên Thái, Quất Động mở rộng, ga Lưu Xá; 4 điểm công nghiệp ở 4 xã Vạn Điểm, Duyên Thái, Ninh Sở và Tiền Phong. Bên cạnh phát triển CN, TTCN, Thường Tín cũng đang khai thác tốt vị trí cửa ngõ phía nam Thủ đô để tập trung tăng giá trị kinh tế thương mại, dịch vụ. Huyện đã tiến hành quy hoạch hệ thống chợ, xây dựng chợ đầu mối gia cầm Hà Vĩ (Lê Lợi); chợ Mới (Hồng Vân), chợ xã Văn Phú, chợ Tía, chợ Đỗ Xá... Ước tính năm 2010 giá trị kinh tế thương mại, dịch vụ khoảng gần 1.200 tỷ đồng; bình quân từ 5 năm (2005-2010) tăng 20,25%/năm. Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện luôn chú trọng chỉ đạo sản xuất nông sản giá trị cao đi đôi với khai thác tốt tiềm năng, hiệu quả từng vùng kinh tế. Nhờ vậy, dù diện tích đất nông nghiệp thu hẹp nhưng giá trị sản xuất vẫn tăng trưởng bình quân 3%/năm. Đến nay, Thường Tín đã chuyển đổi 1.100ha và phê duyệt hơn 700ha đất nông nghiệp chuyển sang các mô hình VAC, trồng hoa, cây cảnh, rau củ quả an toàn, mô hình lúa-cá-vịt…
Định hướng từ nay đến năm 2015, huyện sẽ tiếp tục đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiếp tục tăng tỷ trọng kinh tế CN-TTCN, TM-DV, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Giải pháp ưu tiên là tạo điều kiện thuận lợi thu hút các DN đầu tư, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm CN-TTCN và nông sản. Đồng thời mỗi năm đầu tư, hỗ trợ 4 tỷ đồng trở lên cho công tác khuyến nông, khuyến công; khuyến khích mọi thành phần kinh tế hỗ trợ nông dân có việc làm và thu nhập ổn định, phấn đấu mỗi năm giảm từ 1,5 đến 2% hộ nghèo, hạn chế tái nghèo; giải quyết việc làm cho 3.500 lao động, trong đó 50% lao động qua đào tạo. Tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn, trong đó, huyện đặt mục tiêu 100% đường tuyến xã, đường làng, ngõ, xóm được bê tông hóa.
Phấn đấu thu nhập 25 triệu đồng/người/năm Giai đoạn 2010-2015, Đảng bộ huyện Thường Tín phấn đấu tốc độ tăng GDP đạt trên 13%/năm; thu nhập bình quân đầu người 25 triệu đồng/người/năm; 40% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới; 78% trở lên tổ chức cơ sở Đảng đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh… |