Vẫn “nóng” giải phóng mặt bằng

Xã hội - Ngày đăng : 08:03, 09/08/2010

(HNM) - Đường sắt đô thị là một trong những giải pháp hiệu quả góp phần giải quyết bài toán giao thông ngày càng phức tạp ở Hà Nội. Cách đây vài năm, tuyến đường sắt đô thị thí điểm Nhổn - Ga Hà Nội đã khởi công khu depot, nhưng đến nay vẫn


Mới đây, sau nhiều lần trì hoãn do chưa có mặt bằng, tuyến thứ 2, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã được động thổ. Mặc dù việc giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn còn nhiều vướng mắc nhưng thành phố quyết tâm tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ dự án.

Trục giao thông quan trọng


Phối cảnh tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông.


Trong hệ thống giao thông, đường sắt và đường sắt đô thị được xem là xương sống, giữ vai trò quan trọng trong việc giải quyết nhu cầu đi lại với khối lượng vận chuyển lớn. Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, nhu cầu này càng trở lên cấp thiết. Dù còn gặp nhiều khó khăn về mặt bằng, nhưng mới đây, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, do Cục Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư đã được khởi công bằng việc thi công một số trụ tại hồ Đống Đa. Đây là tuyến metro đi trên cao, dài khoảng 13km với 12 ga dọc tuyến. Đó là các ga: Cát Linh, Đê La Thành, Thái Hà, Đường Láng, Ngã Tư sở, Đại học Quốc gia, Vành đai 3, Thanh Xuân, Bến xe Hà Đông, La Khê, Văn Khê và Hà Đông. Dự kiến, tuyến đường sắt này sẽ được đưa vào khai thác từ năm 2014 với 4 toa xe gồm hai toa kéo, hai toa động cơ, hoạt động từ 5h đến 22h hằng ngày. Lưu lượng vận chuyển thời kỳ đầu sẽ từ 10 vạn đến 15 vạn khách/ngày, sau đó có thể nâng lên 25-30 vạn, hoặc 40-45 vạn khách/ngày tùy theo yêu cầu. Mới đây, Bộ GTVT đã đề nghị chủ đầu tư cùng Tổng thầu EPC khẩn trương hoàn tất các phụ lục hợp đồng để đẩy nhanh tiến độ dự án.

Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng

Để đẩy nhanh tiến độ GPMB phục vụ thi công depot của dự án (nằm tại phường Phú Lương - Hà Đông), mới đây Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã chủ trì buổi làm việc với Cục Đường sắt Việt Nam, chính quyền địa phương và các sở, ngành liên quan. Khu depot có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi đây là trung tâm điều hành, quản lý, nhà kho và bãi thi công toàn dự án. Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Cục Đường sắt Việt Nam) Vũ Quang Khôi cho biết, tại thôn Nhân Trạch (phường Phú Lương, Hà Đông) đã đền bù 100% số hộ với số tiền 23 tỷ đồng. Tại thôn Vân Nội, đã tổ chức 3 đợt chi trả đền bù, nhưng mới có 60/348 hộ nhận với số tiền 4,1 tỷ đồng bởi người dân chưa có thông tin cụ thể về đất dịch vụ nên không hợp tác. Tại đoạn đường nhánh vào depot đi qua Nghĩa trang Vân Nội có gần 300 ngôi mộ dự kiến sẽ chuyển về Nghĩa trang Trinh Lương mở rộng. Tuy nhiên, do Sở Quy hoạch - Kiến trúc chưa phê duyệt quy hoạch nên đến nay chưa thể mở rộng nghĩa trang để di chuyển mồ mả. Theo phía chủ đầu tư, nếu không thực hiện sớm, việc di dời có thể bị chậm mất cả năm.

Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Khắc Tuấn thừa nhận những khó khăn trong việc GPMB dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Thậm chí, một số đối tượng cố tình cản trở với lý do giá bồi thường thấp. Tuy nhiên, ông Phạm Khắc Tuấn cho biết, thời gian tới, quận sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân, chi trả bồi thường lần 4, trường hợp cố tình chống đối, cản trở sẽ tổ chức cưỡng chế. UBND quận kiến nghị thành phố tiếp tục cho thu hồi đất dịch vụ đối với những khu đã có quy hoạch được duyệt để giao cho các hộ. Phía chủ đầu tư phối hợp đồng bộ với địa phương trong công tác GPMB, đáp ứng đủ vốn để bồi thường cho nhân dân.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi yêu cầu các sở, ngành chức năng tùy theo nhiệm vụ khẩn trương hoàn tất phần việc, tạo điều kiện cho GPMB. Theo đó, Sở Quy hoạch - Kiến trúc hoàn chỉnh quyết định quy hoạch mở rộng Nghĩa trang Trinh Lương. Phần hạ ngầm các tuyến đường dây nổi nằm trong phạm vi dự án phải hoàn thành trước ngày 25-8, Sở Xây dựng phải đôn đốc các đơn vị thi công hoàn thành đoạn 1,5km Hào Nam - Hoàng Cầu để bàn giao mặt bằng. Với phần diện tích đã thu hồi, chủ đầu tư chỉ đạo tổ chức thi công ngay, đồng thời chuẩn bị đủ vốn đáp ứng cho các giai đoạn GPMB sau này.

Nguyễn Đức