“Ba-ri-e” kiểm soát chất lượng

Giáo dục - Ngày đăng : 07:27, 09/08/2010

Khoảng 600.000 thí sinh không có cơ hội vào đại học (HNM) - Ngày 8-8, Hội đồng tuyển sinh ĐH,CĐ năm 2010 đã họp và ra quyết định về mức điểm sàn ĐH,CĐ. Mặc dù điểm thi ĐH năm nay được cho là thấp hơn nhưng mức điểm sàn vẫn như năm 2009: khối A và D 13, khối B và C 14.


Điểm sàn đối với bậc CĐ thấp hơn điểm sàn ĐH 3 điểm. Với nhiều trường ĐH, điểm sàn không có ý nghĩa bởi điểm trúng tuyển thường cao hơn điểm sàn nhưng trên quy mô toàn quốc, nó vẫn là "ba-ri-e" kiểm soát chất lượng "đầu vào", đặc biệt trong điều kiện hiện nay, khi mà ngay trước ngày công bố điểm sàn, Bộ GD-ĐT đã phải ra quyết định ngừng tuyển sinh đối với 2 cơ sở đào tạo.


Thí sinh sau khi hoàn thành  kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2010. Ảnh: Nhật Nam


"Bức tranh" điểm thi: vẫn gam màu cũ

Để có dữ liệu cho Hội đồng tuyển sinh quyết định mức điểm sàn, Cục Công nghệ thông tin (CNTT) đã "vẽ" một "bức tranh" toàn cảnh về điểm thi ĐH năm nay với những "gam" màu không có nhiều thay đổi so với năm 2009 mặc dù đề thi khó và độ phân hóa cao hơn. Hình ảnh phổ điểm các khối vẫn là "quả chuông" lệch; đỉnh chuông vẫn rơi vào 7,5 điểm. Điều đó có nghĩa là số thí sinh (TS) đạt tổng điểm 3 môn là 9,5 vẫn nhiều nhất với 56.846 TS; năm ngoái, đỉnh chuông là 8 điểm với 61.369. Tính theo từng khối, số TS thi khối A đạt 9,5 điểm 3 môn chiếm số đông với 34.520 người (năm 2009 nhiều nhất là 9 điểm với 32.046 TS); với khối B, các con số lần lượt là 11 điểm - 11.718 TS (năm 2009: 10,5 điểm - 14.673 TS); khối C: 12,5 điểm - 3.625 TS (năm 2009: 13,5 điểm - 4.377 TS); khối D1: 10,5 điểm - 8.716 TS (năm 2009: 9,5 điểm - 10.865)…

Cũng theo con số thống kê của Cục CNTT, tổng số TS thi khối A đạt điểm thi 3 môn từ 10 trở lên là 376.673 trong tổng số 653.532 TS dự thi; con số này ở đợt thi thứ 2 gồm các khối B,C,D là 350.879 trong tổng số 584.338 TS dự thi (tổng số cả 2 đợt thi có 727.552 TS đạt điểm trên 10 trong tổng số 1.237.870 lượt TS dự thi. Ở kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2009, có 750.767 TS đạt tổng điểm trên 10 ở cả 2 đợt thi trong tổng số 1.261.941 lượt TS dự thi).

Tuy nhiên, có điểm thay đổi ở kết quả thi năm nay là độ phân hóa cao hơn. Cụ thể, số TS trên 25 điểm của cả 2 đợt thi là 8.136 (khối A có 5.816 TS, khối B có 1.369 TS, khối C có 344 TS, khối D có 607 TS). Trong kỳ thi tuyển sinh năm 2009, có 11.607 TS đạt 25 điểm trở lên. Ngược lại, số TS điểm thi dưới 5 năm nay là 3.136, còn năm ngoái gấp 8 lần với 25.287 TS.

Nguồn tuyển dồi dào

Sau khi có kết quả chấm thi và trước thời điểm Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn, có dư luận cho rằng, điểm sàn năm nay sẽ được giữ nguyên để khỏi "mang tiếng" rằng chất lượng đầu vào quá thấp. Và điều này sẽ "làm khó" cho các trường, nhất là khối ngoài công lập trong việc tuyển sinh vì thiếu nguồn tuyển. Tuy nhiên, "bức tranh" toàn cảnh về điểm thi cho thấy, điểm sàn không thay đổi so với năm ngoái không vì những lý do trên và cũng không gây "hậu quả" như dư luận lo ngại.

Theo lãnh đạo Bộ GD-ĐT, nguyên tắc xác định điểm sàn vẫn nhằm 3 "bảo đảm": tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các nhà trường về công tác tuyển sinh; chất lượng tuyển chọn đầu vào, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; tỷ lệ trúng tuyển hợp lý theo cơ cấu vùng miền, cơ cấu xã hội và loại hình trường. 4 căn cứ để xác định điểm sàn là kết quả thi; chỉ tiêu tương ứng; chính sách ưu tiên theo đối tượng và khu vực; cơ cấu vùng miền; cơ cấu xã hội và loại hình trường. Trên số liệu thống kê, với điểm sàn như mức đã công bố, có 209.683 TS thi khối A đạt trên 13 điểm, tỷ lệ TS đạt điểm sàn so với chỉ tiêu của khối là 1,4. Với khối B, các con số này lần lượt là 84.846 và 2,95; khối C là 31.619 và 1,32; khối D là 64.928 và 1,19. Với điểm sàn này, khoảng 650.000 TS không có cơ hội vào ĐH. Khi xác định điểm sàn Hội đồng tuyển sinh cũng đã tính đến hệ số luân chuyển, được tính trên số TS thừa và thiếu và khả năng luân chuyển trong vùng ứng với khối thi và điểm sàn. Đây là những dữ liệu quan trọng bởi năm nào cũng có vùng tuyển thiếu nguồn tuyển sinh. Năm nay, các vùng miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Cửu Long cũng vẫn rơi vào tình trạng này với mức thiếu nhiều hơn, song vẫn có thể bù bằng TS ở các vùng lân cận chuyển về.

Với kết quả thi và điểm sàn đã được công bố, các chuyên gia tuyển sinh của Bộ GD-ĐT khẳng định, các trường phải phụ thuộc vào điểm sàn để tuyển sinh vẫn có nguồn tuyển dồi dào.

Điểm chuẩn sẽ không hạ

Theo quy chế, sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn, bắt đầu từ hôm qua, các trường đã có thể công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 (NV1), danh sách TS trúng tuyển NV1, gửi giấy báo trúng tuyển, giấy chứng nhận kết quả thi cho TS (trước ngày 20-8). Đồng thời các trường sẽ công bố chỉ tiêu, mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển NV2.

Trên thực tế, chỉ những trường, ngành khó tuyển, chủ yếu là các trường ngoài công lập thì mới phải căn cứ vào điểm sàn để định điểm trúng tuyển. Với những trường tốp trên, ngay khi có kết quả dự thi, Hội đồng tuyển sinh trường đã đưa ra dự báo điểm chuẩn, đa phần sẽ là điểm trúng tuyển chính thức. Không chỉ với cơ sở đào tạo, không ít phụ huynh học sinh và TS đã tự ang áng điểm chuẩn căn cứ trên điểm thi đã được công khai. Tuy nhiên, việc xác định điểm trúng tuyển không chỉ dựa thuần túy vào kết quả thi và chỉ tiêu tuyển sinh theo khối hoặc theo ngành mà còn phải xem xét thêm một vài dữ kiện khác như điểm ưu tiên, khuyến khích, số TS tuyển thẳng, số sinh viên dự bị của trường, sinh viên dự bị đại học được phân về trường... thậm chí phải tính đến cả trường hợp TS dự thi 2 khối có khả năng trúng tuyển cả 2. Bởi thế, việc đếm số TS theo điểm thi từ trên xuống dưới cho đến hết chỉ tiêu để xác định điểm trúng tuyển không hoàn toàn chính xác. Điểm trúng tuyển sẽ phải căn cứ vào công bố của các cơ sở đào tạo và thông tin này được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên website của trường.

Cũng như điểm trúng tuyển NV1, điểm xét tuyển NV2, số lượng chỉ tiêu mà mỗi cơ sở đào tạo dành để tuyển NV2 cũng sẽ được công bố rộng rãi. Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường phải bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa các NV, điểm trúng tuyển NV sau không thấp hơn NV trước.

Để bảo đảm sự ổn định cũng như tiến độ cho công tác tuyển sinh, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường không hạ điểm trúng tuyển. Trừ một số trường hợp đặc biệt như điểm trúng tuyển NV1 cao, trường đóng ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, một số ngành nghề khó tuyển sinh thì Bộ trưởng Bộ GD-ĐT sẽ xem xét và quyết định.

Mức điểm sàn dành cho đối tượng là học sinh phổ thông, khu vực 3 nên chưa tính điểm ưu tiên khu vực và đối tượng. Điểm sàn khối D chưa tính hệ số với môn ngoại ngữ.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, khung điểm ưu tiên theo đối tuợng và khu vực tuyển sinh như sau: mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa 2 nhóm đối tượng kế tiếp là 1,0 điểm; giữa 2 khu vực kế tiếp là 0,5 điểm.

Đối với những trường vận dụng theo điều 33 của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ áp dụng mức điểm chuẩn thấp hơn điểm sàn chung sẽ do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quyết định từng trường hợp cụ thể (Điều 33 của quy chế: Các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng được phép lớn hơn 1 điểm nhưng không quá 1,5 điểm để số TS trúng tuyển là người dân tộc thiểu số đạt tỷ lệ cần thiết. Các trường dành chỉ tiêu tuyển sinh để đào tạo theo địa chỉ sử dụng và các trường có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các khu vực được phép lớn hơn 0,5 điểm nhưng không quá 1,0 điểm để tuyển đủ chỉ tiêu được giao).

Quỳnh Phạm