Tẩy chay Vedan - tín hiệu tích cực

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:17, 09/08/2010

(HNM) - Cho đến hôm nay, hầu hết hệ thống các siêu thị bán lẻ trong cả nước, nhất là ở TP Hà Nội, Hồ Chí Minh, Cần Thơ… đã ngừng kinh doanh (ngừng nhập, ngừng bày bán, ngừng quảng cáo) các sản phẩm bột ngọt, hạt nêm của VEDAN để hỗ trợ nông dân TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đấu tranh đòi công ty này bồi thường thiệt hại do cố ý gây ô nhiễm môi trường.


Hành động quyết liệt này của các hệ thống siêu thị Co.op Mart, Sài Gòn Co.op, Big C, City Mart (TP Hồ Chí Minh), siêu thị Co.op Mart Biên Hòa (Đồng Nai); siêu thị Big C, Fi.vi Mart (Hà Nội) và nhiều siêu thị nhỏ lẻ hoặc ở các địa phương khác chưa kịp thống kê còn thể hiện thái độ của người tiêu dùng Việt Nam đối với hành vi sản xuất hàng hóa không thân thiện, đó là quyền từ chối sử dụng các sản phẩm gây ô nhiễm môi trường sống của con người, một trong 8 quyền của người tiêu dùng được luật pháp và thông lệ quốc tế thừa nhận, đồng thời không trái với Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại của nước ta.

Công ty VEDAN sản xuất bột ngọt, hạt nêm và một số sản phẩm khác từ khoai mì, muối ăn, tạo công ăn việc làm cho hàng vạn nông dân nước ta, cung cấp ra thị trường và xuất khẩu nhiều sản phẩm tốt, đóng thuế đầy đủ cho Chính phủ Việt Nam… điều đó đáng hoan nghênh. Nhưng điều không chấp nhận được là VEDAN đã gian dối trong thiết kế xây dựng, cố ý thải ra sông Thị Vải hàng nghìn mét khối nước thải chưa qua xử lý suốt 14 năm, giết chết dòng sông này, gây ô nhiễm môi trường, bệnh tật và cướp đi nguồn sống của hàng nghìn con người. Khi bị phát hiện, VEDAN lại chây ì, không chịu bồi thường cho bên bị hại (khoảng hơn 1 triệu USD, chỉ bằng khoảng 1/7 số lãi của công ty này trong năm 2008-2009). Thái độ coi thường mạng sống người Việt Nam, ngang nhiên hủy hoại môi trường của Việt Nam đã gây phẫn nộ cho hàng triệu người. Cách đây 2 năm, khi vụ việc bị phát hiện, đã có không ít người tiêu dùng tỏ thái độ bằng cách tẩy chay VEDAN nhưng do nhận thức về bảo vệ môi trường và quyền người tiêu dùng của xã hội còn hạn chế nên những hành động trên còn lẻ tẻ, không gây được áp lực đáng kể lên VEDAN. Nay với sự vào cuộc của các siêu thị lớn, đại diện cho hệ thống bán lẻ và người tiêu dùng, tình thế đã đổi khác có lợi cho phía bên nguyên tại tòa án sắp tới, thậm chí buộc VEDAN phải suy nghĩ lại trước khi phiên tòa được mở.

Vũ khí thường được người tiêu dùng sử dụng là từ chối mua một loại sản phẩm nào đó. Khi cần thiết, họ có thể biểu tình, phát biểu trên các phương tiện truyền thông để bày tỏ quan điểm của mình về một sản phẩm nào đó. Với cách này, người tiêu dùng ở Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ và gần đây cả Trung Quốc, Brazil… đã buộc nhiều công ty đa quốc gia phải nhượng bộ. Ở nước ta, do tồn tại quá lâu cơ chế bao cấp, hàng hóa lại luôn thiếu nên chưa hình thành tập quán lắng nghe tiếng nói người tiêu dùng và chính những người tiêu dùng cũng chưa ý thức được đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Việc lần đầu tiên hệ thống bán lẻ tham gia bảo vệ quyền lợi của nông dân, của người tiêu dùng có thể coi là một tín hiệu tích cực, mang tính chuyển biến quan trọng của xã hội.

Tuy nhiên cũng phải thấy rằng phạm vi ảnh hưởng của hệ thống siêu thị chủ yếu ở các thành phố lớn. Đa số người lao động nghèo trong đó gần 70% là nông dân vẫn mua bán ở các chợ cóc, chợ quê với đồng tiền ít ỏi. Những người này mới là đối tượng tiêu thụ chính các loại bột ngọt, bột nêm, viên canh, mắm muối và vô số những mặt hàng thiết yếu khác nhưng họ lại gần như thiếu thông tin. Muốn tạo được áp lực, không chỉ với VEDAN mà với tất cả các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm bẩn, sản phẩm vi phạm nhân quyền, sản phẩm không thân thiện với môi trường, phải tăng cường thông tin tới đối tượng này để có được sự đồng tình của họ.

Vũ Duy Thông