Xã hội lo, cơ quan chức năng rối
Đời sống - Ngày đăng : 08:24, 08/08/2010
Phần lớn qua "cò"
Có đến 85% trường hợp hôn nhân có yếu tố nước ngoài là thông qua môi giới, còn gọi là "cò hôn nhân". "Cò" có thể tổ chức tuyển chọn các cô gái có nhu cầu lấy chồng ngoại hoặc móc nối với cá nhân, tổ chức môi giới của nước ngoài hoạt động bất hợp pháp tại Việt Nam, ngoài Việt Nam. Đặc biệt, các tổ chức, cá nhân này còn tổ chức móc nối, lôi kéo cả cán bộ quản lý vi phạm pháp luật, tạo thành đường dây.
Tính phức tạp của hôn nhân có yếu tố nước ngoài hiện nay phần lớn là do hoạt động của những tổ chức, cá nhân môi giới bất hợp pháp. Môi giới hôn nhân bất hợp pháp không chỉ hoạt động tại thành phố mà còn mở rộng địa bàn về vùng sâu, vùng xa, đặc biệt lợi dụng những gia đình có hoàn cảnh khó khăn để trục lợi bất chính. Trong khi đó, phần lớn cán bộ làm công tác hộ tịch còn hạn chế về trình độ chuyên môn. Nhiều nơi không mấy coi trọng công tác hộ tịch - tư pháp, thường phân công cho những người chưa qua thực tiễn đảm nhiệm công việc này. Đặc biệt, giải quyết các hồ sơ liên quan đến kết hôn có yếu tố nước ngoài đã trở thành mảnh đất màu mỡ để cán bộ có điều kiện vòi vĩnh. Chẳng hạn, phần phỏng vấn đương sự tại Sở Tư pháp nhằm xác định mục đích hôn nhân, khi cả người phỏng vấn, người trả lời đều "mờ mịt" ngoại ngữ thì khó có thể có được cách nhìn khách quan, thực chất. Thế nhưng qua phỏng vấn, cán bộ giải quyết hồ sơ lại có thẩm quyền đồng ý hoặc không và không ít cán bộ coi đây là cơ hội sách nhiễu.
Cơ chế xin – cho
Với quan điểm không ngăn cấm, nhưng cũng không khuyến khích kết hôn có yếu tố nước ngoài, những quy định của Nhà nước hiện nay nặng về các biện pháp hành chính. Biểu hiện rõ nhất là thủ tục chặt chẽ, nhiêu khê, thời gian giải quyết hồ sơ lên tới 50 ngày, nhiều bất cập trong quá trình giải quyết hồ sơ, không có hướng dẫn cụ thể... Vì thế, không ít địa phương thắc mắc cả những vấn đề tưởng chừng rất đơn giản như thế nào được coi là trái phong tục tập quán?
Hôn nhân là quyền tự do của mỗi cá nhân. Nhà nước chỉ nên đóng vai trò quản lý bằng cách ghi nhận và tạo điều kiện tốt nhất cho công dân thực hiện quyền của mình chứ không nên biến thủ tục đăng ký kết hôn thành cơ chế xin - cho. Nếu chúng ta coi hôn nhân có yếu tố nước ngoài theo quan điểm này thì giải quyết được nhiều vấn đề tiêu cực. Trước hết, hoạt động môi giới bất hợp pháp sẽ bị hạn chế, các trung tâm tư vấn sẽ có vai trò thiết thực. Đặc biệt, sẽ chấm dứt được tiêu cực nảy sinh từ đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác hộ tịch - tư pháp.
Hiện tại đang có nhiều phát sinh chưa có điều chỉnh của pháp luật như kết hôn theo hợp đồng; xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, ra nước ngoài theo con đường du lịch rồi kết hôn ở nước sở tại... Bộ Tư pháp cũng đang lúng túng trong việc xác định quốc tịch của con trong trường hợp mẹ là người Việt Nam kết hôn với người Hàn Quốc nhưng trên thực tế sinh sống với người Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc và sinh con. Bên cạnh đó, Nhà nước chưa có văn bản nào quy định việc bảo hộ phụ nữ Việt Nam sau kết hôn sang định cư tại Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc... Do đó, việc giải quyết các vấn đề liên quan đến "hậu kết hôn" có yếu tố nước ngoài nhiều khi nằm ngoài khả năng của các cơ quan ngoại giao, tư pháp...