Ì ạch đến bao giờ?

Đời sống - Ngày đăng : 08:32, 07/08/2010

(HNM) - Một tuyến kênh đen ở TP Hồ Chí Minh đã được lên kế hoạch giải quyết, không những xử lý được vấn đề ô nhiễm môi trường còn xóa đi tình trạng ngập ở một khu vực lớn. Tuy nhiên, dự án này lại được thực hiện một cách… chậm chạp đến mức nhiều khả năng sẽ lỗi hẹn với đơn vị tài trợ vốn thực hiện dự án.

Dự án kênh Tân Hóa - Lò Gốm chậm triển khai đồng nghĩa với việc người dân TP Hồ Chí Minh phải chịu cảnh úng ngập nhiều hơn.


Ô nhiễm liên quận!
Tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm dài khoảng 8km, bắt nguồn từ quận Tân Bình qua các quận Tân Phú, quận 11 và xuôi về quận 6. Đây từng là một con kênh xanh phục vụ cho nông nghiệp; đồng thời, người dân có thể sử dụng kênh này để đi lại qua 4 quận nội thành và thông về với các tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, con kênh đã bị bức tử do những cơ sở dệt, nhuộm thi nhau xả nước thải chưa qua xử lý vào kênh, còn người dân cũng "đua nhau" lấn chiếm, vứt rác bít kín dòng chảy. Dòng nước trên tuyến kênh hầu hết có màu đen kịt, bốc mùi làm ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng ngàn người dân sống dọc hai bờ kênh. "Mức độ ô nhiễm ở tuyến kênh này không thua kém gì so với độ ô nhiễm ở kênh Ba Bò", ông Nguyễn Minh Hoàng, đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh nhận xét.

Đi dọc tuyến kênh, dễ dàng nhận thấy, nhiều đoạn dòng chảy đã bị tắc nghẽn hoàn toàn do rác thải và với khoảng 1.000 căn nhà lấn chiếm xây dựng trên kênh. Trong khi đó, quy hoạch về thoát nước của thành phố (TP) đã xác định, dự án cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm là một trong bốn dự án thoát nước chính, phải được thực hiện mới giải quyết được tình trạng ngập. Tuy nhiên, dự án này vẫn "đắp chiếu" và TP thường xuyên hứng chịu những cơn mưa lớn làm nhiều khu vực bị nhấn chìm trong nước, trong đó có các tuyến đường trục của thành phố như Âu Cơ, Lũy Bán Bích…

Chậm tiến độ và đội giá thành
Cách đây bốn năm, dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh này đã được đặt ra, do Ban quản lý dự án Nâng cấp đô thị TP Hồ Chí Minh (HUUP) làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chỉ một đoạn kênh dài khoảng 700m qua địa bàn quận Tân Bình được "xử lý" bằng cách lấp kênh, lắp đặt hệ thống cống hộp và làm đường bên trên. "Quận Tân Bình đã thực hiện dự án bằng nguồn vốn của địa phương và ở những đoạn còn lại dự án vẫn chưa thể khởi động do vướng về vốn", ông Nguyễn Hoàng Nhân, Phó Giám đốc Sở Xây dựng đồng thời là Giám đốc HUUP lý giải. Ông Nguyễn Hoàng Nhân cho biết thêm, Ngân hàng thế giới vừa đồng ý cho vay bổ sung gần 129 triệu USD để cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm. Dự án sẽ cải tạo, nạo vét toàn bộ tuyến kênh dài gần 8km nhằm nâng cao khả năng tiêu thoát nước, giảm tình trạng ngập úng cho lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm với diện tích gần 19km2. Ngoài ra, dự án còn xây mới 10 cây cầu bắc ngang kênh và lắp đặt hệ thống cống thu gom nước thải để có thể đưa về nhà máy xử lý nước thải tập trung dự kiến đặt ở xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh.

Tuy đã giải quyết được phần vốn, nhưng ông Nguyễn Hoàng Nhân cho rằng khó khăn vẫn còn nhiều ở phần bồi thường, giải tỏa mặt bằng. Theo thống kê của các địa phương, dự án có khối lượng bồi thường, giải tỏa rất lớn, với khoảng 2.000 hộ dân, trong đó giải tỏa toàn phần trên 700 hộ. Tuy nhiên, tiến độ giải tỏa đang diễn ra chậm so với kế hoạch. "Với diễn tiến này, nhiều khả năng việc giải tỏa mặt bằng sẽ làm chậm tiến độ của dự án so với cam kết của thành phố đối với nhà tài trợ. Điều này còn có thể làm tổng mức đầu tư của dự án đội lên". Ông Nguyễn Hoàng Nhân nói.

Minh Quỳnh