Công nhận Ban quản trị nhà chung cư: Một việc nên làm

Bạn đọc - Ngày đăng : 08:11, 07/08/2010

(HNM) - Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2006 nhưng cho đến nay, nhiều ban quản trị nhà chung cư (BQT) tại Hà Nội vẫn chưa được UBND cấp có thẩm quyền công nhận theo quy định tại QĐ số 08/2008/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng nên chưa đủ cơ sở pháp lý hoạt động, gây bức xúc cho người dân.


Điều 71 Luật Nhà ở quy định: "Nhà chung cư phải có BQT, BQT là người đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu và những người sử dụng trong quá trình sử dụng nhà chung cư". Luật cũng quy định rõ 8 quyền và trách nhiệm của BQT. Còn tại khoản 4, điều 12 Quyết định số 08/2008/QĐ-BXD ngày 28-5-2008 của Bộ Xây dựng quy định: "Trong vòng 15 ngày kể từ khi hội nghị nhà chung cư bầu BQT, BQT có trách nhiệm đăng ký với UBND cấp quận, huyện để được công nhận. Trong vòng 15 ngày, kể từ khi nhận được văn bản đăng ký của BQT, UBND cấp quận phải ra quyết định công nhận BQT...".

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, có nơi tiến hành thành lập BQT suôn sẻ do chủ đầu tư nhận thức được BQT sẽ là người đồng hành và phối hợp trong công tác quản lý; mọi việc thông qua BQT đến với người dân sẽ thuận lợi hơn. Song ở không ít nơi để thành lập được BQT là một quá trình vừa thuyết phục, vừa đấu tranh với chủ đầu tư. Có nơi phải nhờ chính quyền phường tác động, hỗ trợ. Thậm chí có nhiều chủ đầu tư sợ BQT sẽ là người cầm đầu để khiếu kiện, đấu tranh đòi hỏi quyền lợi nên tìm cách trì hoãn. Bên cạnh đó, còn có một thực tế là, việc thành lập đã khó khăn nhưng việc đăng ký để chính quyền công nhận theo quy định của Quyết định 08/2008/QĐ-BXD cũng khó khăn không kém. Tại Hà Nội, trong khi các quận Ba Đình và Tây Hồ ra quyết định công nhận các BQT thì ở quận, huyện khác lại chưa công nhận.

 Từ thực tế trên, xin có một số ý kiến:

- Theo quy định của pháp luật, khi luật đã có hiệu lực thi hành và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật đã được ban hành thì mọi tổ chức, công dân đều phải nghiêm chỉnh chấp hành. Trong trường hợp một điều khoản, quy định nào đó chưa phù hợp thì mọi tổ chức và cá nhân có trách nhiệm phản ánh với cơ quan có thẩm quyền xem xét để nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện. Trong lúc chưa được điều chỉnh, bổ sung thì vẫn phải nghiêm chỉnh chấp hành, không chấp hành là vi phạm pháp luật.

- UBND thành phố Hà Nội đã giao cho Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ngành, UBND các quận, huyện có liên quan nghiên cứu quy chế quản lý nhà chung cư trên địa bàn thành phố, làm rõ những vấn đề còn vướng mắc, báo cáo UBND TP Hà Nội để bổ sung, điều chỉnh. Nhưng sau gần 2 năm, Sở Xây dựng mới có báo cáo nên đến nay thành phố vẫn chưa ban hành được quy chế quản lý nhà chung cư trên địa bàn. Sự chậm trễ này cần được khắc phục ngay.

- Việc công nhận BQT trên địa bàn quận Ba Đình và Tây Hồ được thực hiện nghiêm túc, không hiểu vì sao ở các quận khác lại khó khăn như vậy? Vấn đề này, Sở Xây dựng và Sở Nội vụ cũng cần làm rõ. Qua thực tế hoạt động của các BQT, kể cả những nơi đã được UBND quận ra quyết định công nhận và những nơi chưa được công nhận thì nhiều BQT hoạt động có hiệu quả, được nhân dân tín nhiệm và ủng hộ. Đã khắc phục được tình trạng đơn, thư tự phát của người dân gửi lên cấp trên kéo dài như trước đây.

- Trong lúc chờ Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Quyết định 08/2008/QĐ-BXD, đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo UBND cấp quận  thực hiện nghiêm túc việc ra quyết định công nhận BQT trên địa bàn.

Nguyễn Đình Hy