Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị

Chính trị - Ngày đăng : 06:51, 07/08/2010

(HNM) - Ngày 6-8, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành trọn một ngày chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020, tới lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương trong cả nước.

Để khu vực nông thôn có kết cấu hạ tầng hiện đại, giàu bản sắc, môi trường sinh thái được bảo vệ, đời sống vật chất, tinh thần người dân từng bước nâng cao… cho 50% số xã trong cả nước, nhiều ý kiến đề nghị sớm có quy hoạch NTM tổng thể; khai thác tốt mọi nguồn vốn và xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực.

Xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, nơi thực hiện tốt mô hình điểm về nông thôn mới. Ảnh: Bá Hoạt


Vấn đề "nóng" quy hoạch và nguồn vốn
Trước khi triển khai đại trà Chương trình xây dựng NTM, Trung ương đã triển khai thí điểm tại 11 xã. Thống kê đến nay cho thấy, số vốn thực hiện đã đạt gần 500 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách chiếm 66%, người dân đóng góp 22%, còn lại doanh nghiệp khoảng 12%. Để triển khai xây dựng NTM, công tác quy hoạch phải đi trước một bước nhưng hiện nay hầu hết trong tình trạng "trắng" quy hoạch. Ví dụ tỉnh Điện Biên có đến 86/112 xã, phường chưa được lập quy hoạch. Ông Trịnh Duy Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết: Ngay tại Hà Nội, rất nhiều xã trên địa bàn cũng chưa xây dựng quy hoạch hoặc chờ quy hoạch chung của thành phố… Theo Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, cả nước mới có 29,29% số xã có quy hoạch. Theo quyết định 193 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình rà soát quy hoạch xây dựng NTM, mục tiêu đến năm 2011 cơ bản phủ kín quy hoạch nông thôn trên địa bàn cả nước thì việc xây dựng quy hoạch nông thôn cho các xã trong thời gian tới là một nhiệm vụ khá nặng nề. Chưa kể mỗi quy hoạch NTM của một xã lại có 7 đến 8 quy hoạch chi tiết. Việc này, chính quyền các xã không tự làm được mà phải có sự giúp đỡ của các sở, ngành. 

Cùng với quy hoạch, nguồn vốn xây dựng NTM cũng là vấn đề "nóng". Ông Trần Minh Kỳ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh băn khoăn: Khảo sát hiện trạng nông thôn trên địa bàn tỉnh cho thấy, đầu tư kết cấu hạ tầng của mỗi xã hết khoảng 120 tỷ đồng, số tiền trên quá lớn đối với chính quyền địa phương và người dân, nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ ngân sách nhà nước. Tại xã Gia Phố (Hương Khê) được chọn xây dựng thí điểm NTM, đến nay mới huy động được 27 tỷ đồng để đầu tư. Trong đó ngân sách của tỉnh chi 1,4 tỷ đồng. Mới chỉ một xã đã như thế thì khi triển khai đại trà cho các xã không biết lấy nguồn vốn đâu để thực hiện. Còn theo ông Phan Minh Túc, Chủ tịch UBND huyện K'Bang (Gia Lai), huyện có địa bàn rộng, nhiều người dân tộc thiểu số, sinh sống nên các mặt KT-XH của địa phương phát triển chậm, tỷ lệ hộ nghèo cao, cơ sở hạ tầng khó khăn… Do đó, Nhà nước cần có cơ chế đặc thù hỗ trợ riêng đối với các xã vùng dân tộc ít người. Ngoài ra, lãnh đạo nhiều địa phương cũng bày tỏ băn khoăn về vấn đề đào tạo đội ngũ cán bộ ở cơ sở…

Nhà nước và nhân dân cùng làm
"Thực hiện Chương trình xây dựng NTM là chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho 70% dân số cả nước. Vì vậy, xây dựng NTM phải thực hiện bằng sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và coi đây là sự nghiệp của nhân dân và triển khai theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Chương trình là cụ thể hóa Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Tam nông" - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh. Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương phải nhận thức rõ đây không phải là chương trình đề ra để xin dự án đầu tư cơ sở hạ tầng mà là chương trình phát triển tổng hợp về kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, phát huy quyền làm chủ của người dân… Nguồn vốn phải được xã hội hóa để thu hút doanh nghiệp đầu tư; huy động người dân đóng góp bằng các hình thức vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông, ngày công… Vì vậy các địa phương phải chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, liên tục, có giải pháp đồng bộ, xây dựng lộ trình có trọng tâm, trọng điểm phù hợp với từng thời kỳ để đạt hiệu quả cao nhất.

Chỉ đạo vấn đề quy hoạch, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu thực hiện theo hình thức chính quyền xã và người dân chủ trì cùng cán bộ kỹ thuật xây dựng quy hoạch để bảo đảm khoa học, thực tiễn, hiện đại và tôn trọng cái hiện có. "Ba vấn đề lớn trong quy hoạch phải quan tâm là bố trí không gian cho các lĩnh vực sản xuất như nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ… hạ tầng về giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, trụ sở xã, nhà văn hóa; xây dựng cụm dân cư tập trung, hợp lý".

Với các nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, các địa phương cần linh hoạt dựa trên mục tiêu chung để cụ thể mục tiêu cho riêng địa phương mình bảo đảm phù hợp điều kiện, hoàn cảnh, vị trí, phấn đấu không dừng lại ở những con số đã đặt ra.

Mục tiêu đến năm 2020, cả nước có 50% số xã đạt tiêu chuẩn NTM, trong đó nguồn vốn thực hiện ngân sách nhà nước 40%; vốn tín dụng 30%; vốn từ các doanh nghiệp, HTX và các loại hình kinh tế khác 20%; huy động đóng góp của cộng đồng dân cư 10%.

Tại Hà Nội, ngoài mô hình điểm xã Thụy Hương (Chương Mỹ), TP đã chọn 3 xã và giao mỗi huyện chọn 1 xã làm điểm đã nâng tổng số xã xây dựng NTM của Hà Nội lên 19 xã. Đề án NTM của Hà Nội đã được thông qua với kinh phí đầu tư hơn 32.000 tỷ đồng, bình quân đầu tư cho mỗi xã từ 80-90 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2015, Hà Nội có 35-40% số xã đạt tiêu chí về NTM, đến năm 2020 có 70% số xã đạt NTM và đến năm 2025 có 100% số xã đạt tiêu chí NTM.

Nguyễn Mai - Chí Đạo