Chia sẻ với con người, lo toan cùng dân tộc
Văn hóa - Ngày đăng : 06:23, 06/08/2010
Sứ mệnh người cầm bút
Rất nhiều vấn đề được hội viên quan tâm, bàn thảo sôi nổi. “Sôi” đến nỗi nhiều trang web của văn nghệ sĩ nghẽn tạm thời. Có những bài viết thật sự nghiêm túc và xây dựng.
TSKH, dịch giả Phan Hồng Giang viết: "Nhà văn, anh ở đâu trong trận chiến không tiếng súng mà đầy cam go đang diễn ra hằng ngày nhằm xóa bỏ những điều ngang trái để đạt đến mục tiêu vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nhà văn trước và trong khi cầm bút hãy chia sẻ với từng số phận con người, hãy là một công dân biết canh cánh lo toan cùng dân tộc".
Thậm chí một người không phải hội viên nhưng cũng đã trăn trở: "VHNT phải viết về niềm đau của con người. Đó là sự thể hiện nhằm gây cảm thông, và nếu có chất lượng cao thì dẫn tới thanh lọc tâm hồn, gạn đục khơi trong cho bạn đọc". Còn Phùng Văn Khai - nhà văn áo lính thế hệ 7x bày tỏ: "Nhà văn phải phản ánh một hiện thực đã được chưng cất". Trên diễn đàn khác, "thần đồng" Trần Đăng Khoa trả lời phỏng vấn rằng: "Đại hội không nên chỉ quan tâm tới bầu cử mà hãy nghĩ ngợi bàn luận làm sao viết cho hay, bày cho BCH cách tồn tại của Hội Nhà văn nên như thế nào, chọn người tài nắm giữ các cơ quan cấp 2 của hội cho hiệu quả, không nhất thiết phải UV BCH nắm giữ".
Dù châm biếm, vui vẻ hay chiêm nghiệm, suy tư, các nhà văn đều có chung những băn khoăn về sứ mệnh của người viết, về vai trò của văn học đối với con người, dân tộc.
Nhà văn và thân phận con người
Báo cáo của Chủ tịch HNV VN Hữu Thỉnh nêu rõ hai mệnh đề văn học "Vì sự cường thịnh của đất nước và vì phẩm giá con người". Câu chuyện không mới nhưng lại chưa bao giờ cũ đối với người cầm bút. Một mối quan hệ khăng khít để nhà văn vừa thực hiện sứ mệnh văn hóa vừa vẹn toàn nghĩa vụ công dân.
Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: "Viết về hôm nay hay lùi xa trong quá khứ, thì tất cả đều gặp nhau trong mối quan tâm chung đó là thân phận con người dưới những tác động của lịch sử và văn hóa". Tuy nhiên, đúng như ý kiến của nhà văn Đình Kính: "Con người hôm nay đã có những diễn biến tâm lý khác xa so với thời trước. Viết về những mối quan hệ giữa con người trong một bối cảnh cụ thể cũng có nghĩa là dùng kính "chiếu yêu" của văn học để chỉ ra cái xấu, cái ác nhiều khi được che giấu hết sức tinh vi. Có những điều chưa chắc luật pháp đã xử lý được, chỉ có văn học có thể lột tả được tận cùng những lẩn khuất đó".
Trao đổi với Hànộimới, nhà thơ Hữu Thỉnh cũng nhấn mạnh: "Đời sống đã tích tụ trong mỗi số phận con người. Qua đây, nhà văn phải làm rõ con người được gì, mất gì, lo âu và đang đối diện với điều gì. Cuộc sống hiện đại khiến mỗi người có điều kiện chăm lo hạnh phúc cho mình, nhưng cũng từ đó mà đẻ ra cái lãnh cảm, vô tình. Đề cao lòng tốt bình thường với làng xóm, với cộng đồng là điều rất đáng quan tâm".
Một vấn đề cũng hết sức con người - sex trong văn học - đã được thẳng thắn đề cập trong báo cáo của ĐH: "Miêu tả tình dục không phải là cấm kỵ, nhưng cũng chưa ở đâu đòi hỏi sự tinh tế như ở đây, vì chưa ở đâu biên giới giữa cái cao quý và cái tầm thường lại mong manh, thử thách bản lĩnh nhà văn như thế". Thậm chí tại các ĐH cơ sở, "sex trong văn học" đã trở thành một trong những vấn đề nóng mà hội viên đề nghị giới LLPB và HNV phải có tiếng nói cụ thể, sâu sát hơn.
Tất cả những băn khoăn trên cũng là bởi điều tự vấn: "Là nhà văn, chúng ta tham gia chuẩn bị về văn hóa cho con người như thế nào để cùng nhau vững bước trên hành trình mới của dân tộc và thời đại?".
Vai trò định hướng nghề nghiệp
Hội Nhà văn có một điểm thật sự khác biệt, đó là mái nhà chung của những cá tính với lao động sáng tạo đậm dấu ấn cá nhân. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Đình Kính đều khẳng định: Chỉ có tài năng mới giúp nhà văn có tác phẩm đỉnh cao. Thậm chí nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ còn nhấn mạnh với Trần Đăng Khoa rằng: Làm BCH mãi người ta cũng chẳng nhớ đâu, người ta chỉ biết có "Hạt gạo làng ta" thôi…
Vậy hội có vai trò gì với nhà văn? Rất nhiều ý kiến, nhưng tựu trung là, hội không thể chỉ làm công việc thăm hỏi lẫn nhau, mà phải đi sâu vào những vấn đề "bếp núc" của sáng tác; chăm lo cho thế hệ trẻ; làm cầu nối giữa đề xuất của nhà văn với Đảng, Nhà nước. Đặc biệt BCH mới không chỉ cần mạnh về chuyên môn, mà còn phải biết gánh vác việc của hội vì mục tiêu chung là thúc đẩy nền văn học nước nhà giàu tính nhân văn và hòa nhịp cùng dân tộc.