Cần minh bạch hóa việc tăng giá sữa

Kinh tế - Ngày đăng : 14:55, 05/08/2010

(HNMO) – Trong thời gian tháng 7 và đầu tháng 8/2010 này, nhiều hãng sữa đã đồng loạt thông báo tăng giá, gây bức xúc trong dư luận vì giá của mặt hàng nhạy cảm này đang ngày một leo thang. Tuy nhiên, đâu là sự tăng giá hợp lý và đâu là hành động “móc túi người tiêu dùng”?

(HNMO) – Trong thời gian tháng 7 và đầu tháng 8/2010 này, nhiều hãng sữa đã đồng loạt thông báo tăng giá, gây bức xúc trong dư luận vì giá của mặt hàng nhạy cảm này đang ngày một leo thang. Tuy nhiên, đâu là sự tăng giá hợp lý và đâu là hành động “móc túi người tiêu dùng”?

Trong sáng nay 5/8, Chủ cửa hàng thực phẩm Hồng Minh ở 52 phố Sơn Tây, Hà Nội cho biết: Tháng 7 vừa qua, 17 mặt hàng sữa bột của hãng Dumex đã tăng giá lên đến 10%, sữa X.O tăng 5% và sắp tới có hãng Abbott thông báo tăng 7%. Các khách hàng đến mua sữa cho con đều kêu trời nhưng cũng phải chấp nhận vì trẻ đang quen dùng loại sữa đó.

Mới đây, trên một số phương tiện thông tin đại chúng cũng đã đưa: theo thông báo của Công ty Danone Việt Nam (cung ứng mặt hàng sữa Dumex, Dulac) gửi các cửa hàng kinh doanh sữa Dumex, từ ngày 19/7/2010, sữa Dumex Mama Gold step 0 loại hộp 800 gr tăng từ 212.000 đồng lên 233.000 đồng/hộp; sữa Dugro Gold 2 hộp 800 gr tăng từ 298.000 đồng lên 328.000 đồng/hộp. Sữa Dugro Gold 3 hộp 1,5 kg tăng thêm tới 44.000 đồng/hộp, giá từ 454.000 đồng lên 499.000 đồng/hộp... 

Các loại sữa Dulac cũng tăng giá mạnh. Ví như sữa Dulac Gold, hộp 800 gr tăng thêm 30.000 đồng/hộp; Dulac 1 hộp 800 gr tăng 20.000 đồng/hộp... Lý giải của Công ty Danone Việt
Nam là: "Tỷ giá hối đoái và giá nguyên liệu vẫn tiếp tục tăng nên công ty buộc phải tăng giá các sản phẩm sữa bột Dumex".


Giá sữa tăng nhưng mức tiêu thụ không giảm, chủ cửa hàng vẫn đang nhập thêm các loại sữa.

Bên cạnh đó, Công ty FrieslandCampina Việt Nam cũng điều chỉnh giá bán các sản phẩm sữa nước tăng từ 4.500 đồng/hộp lên 4.750 đồng/hộp kể từ ngày 15/7/2010. Ngoài ra đợt này FrieslandCampina cũng tăng giá sữa đặc Trường Sinh từ 11.500 đồng/hộp lên 12.000 đồng/hộp; Dutch Lady từ 14.500 đồng/hộp lên 15.000 đồng/hộp; Completa từ 10.500 đồng/hộp lên 11.000 đồng/hộp. Đại diện của công ty FrieslandCampina lý giải: "Việc tăng giá này là do áp lực từ việc tăng giá của rất nhiều yếu tố đầu vào trong thời gian qua, kể cả biến động tỷ giá".

Mặt khác, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, từ ngày 9/8/2010, Công ty 3A, nhà phân phối chính thức của Abbott sẽ điều chỉnh giá của 3 trong tổng số 21 mặt hàng gồm Similac IQ, Similac Gain IQ và Gain Plus IQ với mức điều chỉnh 7%, do giá nhập khẩu tăng. Những loại sữa tăng giá lần này chứa những công thức dinh dưỡng tiên tiến nhất của Abbott. Mức giá mới này vẫn đang có ưu đãi cho Việt Nam, thấp hơn các nước khác trong khu vực như MalaysiaSingapore.

Thực tế, một lon sữa 900g Similac IQ tại siêu thị Intimex Hà Nội có giá 379.500đ, trong khi ở siêu thị Carefour - Thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia có giá 73,85 ringgit (khoảng 449.000đ) và ở siêu thị Guardian của Singapore có giá tới 42,25 SGD (khoảng 600.000đ). Tương tự như vậy, một lon sữa 900g Similac Gain IQ tại siêu thị Coopmart có giá 368.000đ, trong khi ở siêu thị Carefour có giá 63 ringgit (khoảng 383.000đ) và ở siêu thị Guardian có giá 38,45 SGD (khoảng 546.000đ). Tất cả các sản phẩm này đều cùng được sản xuất tại nhà máy của Abbott ở Singapore, và có cùng công thức như nhau. Đại diện của Abbott cho biết công ty có chính sách chung về giá cho các sản phẩm dinh dưỡng cao cấp, và có một số ưu đãi riêng cho Việt Nam về giá các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ.

Được biết, công thức dinh dưỡng nhi thế hệ mới tiên tiên nhất của Abbott đã được các nghiên cứu lâm sàng rộng khắp trên 10,000 trẻ từ 0-39 tháng, chứng minh hiệu quả vượt trội đối với sự phát triển của trí não và thị giác - miễn dịch – xương - độ dung nạp của trẻ.

Trao đổi với PV HNMO, TS Vũ Thị Bạch Nga, Trưởng ban Bảo vệ Người tiêu dùng, Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương cho biết: Đứng ở góc độ người tiêu dùng không ai muốn phải mua sản phẩm với giá cao. Tuy nhiên, nếu các hãng sữa minh bạch hóa được việc tăng giá đó là hợp lý và công bố rộng rãi để người tiêu dùng biết thì việc đó có thể chấp nhận được. Người tiêu dùng chỉ không chấp nhận việc tăng giá tù mù, lập lờ của doanh nghiệp. Còn việc tăng giá ở mức nào là phù hợp cần có sự bóc tách của Cục quản lý giá, Bộ Tài chính.

Trả lời trên Báo Thanh Niên Online gần đây về việc giá một số mặt hàng sữa bột đã tăng liên tiếp 3 lần trong tháng 7/2010, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết do Thông tư 104/2008/TT-BTC không bắt các doanh nghiệp nhập khẩu sữa phải đăng ký, kê khai giá nên Cục quản lý giá chỉ nắm bắt việc tăng giá sữa qua các phương tiện thông tin. Ngoài ra, cũng có một số địa phương báo cáo về việc sữa đã tăng giá.

Theo ông Tuấn, do "lỗ hổng" về luật mà cụ thể là Thông tư 104 nên Cục quản lý giá không thể xử lý mặc dù biết doanh nghiệp tăng giá như vậy là bất hợp lý. Thông tư quy định 2 lần tăng giá cách nhau tối thiểu 15 ngày, và doanh nghiệp dưới 50% vốn chủ sở hữu nhà nước không cần đăng ký, kê khai giá. Doanh nghiệp từ đầu năm tới nay vẫn cứ "lách", mỗi lần tăng khoảng 5%, 10% nên Cục không can thiệp để bình ổn giá được.

Cục quản lý giá cũng đã trình Thông tư sửa đổi từ tháng 3/2010, nhưng có một vài khó khăn nên chưa thể ban hành. Cục quản lý giá đã hoàn thiện Thông tư sửa đổi, trình lên cấp trên chờ phê duyệt và sẽ ban hành trong thời gian sớm nhất.

Tới đây, doanh nghiệp sẽ phải kê khai và đăng ký giá bán. Theo đó, sẽ không có chuyện tối thiểu 15 ngày sau hai lần tăng giá liên tiếp, cũng như tăng quá 20% cơ quan quản lý mới được can thiệp. Cơ cấu tạo nên giá vốn của doanh nghiệp sẽ có một thước đo tại quy chế tính giá được quy định trong Thông tư ban hành kế sau Thông tư 104.

Lan Hương