Nậm Ban tìm lối thoát nghèo
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:30, 05/08/2010
Giờ học của học sinh Trường Tiểu học Nậm Ban. |
Nậm Ban nghèo đói
Sau hai giờ ê ẩm ngồi sau chiếc xe win do tay lái cứng cựa của lính biên phòng điều khiển, chúng tôi mới vượt qua quãng đường 16km từ quốc lộ 12 vào Nậm Ban. Trung tâm xã là một hẻm núi tụt xuống giữa chất ngất non cao. Buổi chiều chầm chậm trôi quanh những ngôi nhà sàn siêu vẹo, vách nứa trống trải, đứng bên ngoài có thể nhìn xuyên qua nhà vào tận dãy núi phía sau.
Nậm Ban có 11 bản, là nơi cư ngụ của đồng bào các dân tộc Mảng, Hà Nhì, Mông. Người Mảng ở Nậm Ban đói liên miên trong những ngày giáp hạt. Bà con sống theo lối tự cấp, tự túc, nhưng chủ yếu dựa vào lương thực trợ cấp của Nhà nước, vậy mà rượu vẫn tràn cung mây. Nậm Ban không có chợ để giao thương, mua bán. Tất cả lương thực, thực phẩm phải mang từ xã Pa Tần (cách Nậm Ban 35km) vào. Chủ tịch xã Lý A Nhè thừa nhận: "Dân mình không chịu khó". Trẻ em ở Nậm Ban tập trung xem ti vi cả ngày, còn cha mẹ chúng thì chẳng khi nào dứt ra khỏi mấy can rượu. Dân say, cán bộ cũng ngất ngây, bỏ bê công việc. Chỉ vài năm gần đây huyện phải thay tới 3-4 đời cán bộ xã. Bộ đội biên phòng hãi nhất là mỗi khi có đợt đưa gạo vào cứu đói, các anh phải lập chốt canh gác, giữ không cho dân đem gạo đi bán lấy tiền uống rượu.
Chỉn A Quân - người đàn ông có khuôn mặt đen xạm như đẽo ra từ tảng đá dưới suối sâu chẳng mấy khi cười. Vợ anh cũng hiếm khi mở miệng với chồng, mỗi ngày chỉ nói vài câu với bọn trẻ. Vớ đứa nào chị nói đứa đấy chứ tôi đồ rằng chị cũng chẳng nhớ hết tên con. Hai người đã kịp có 13 mụn con; bụng chị đang lùm xùm đứa thứ 14, vậy mà Chỉn A Quân dõng dạc tuyên bố chưa thể dừng.
Chúng tôi đến nhà Chỉn A Quân vào đúng bữa cơm tối. Trong ánh chiều chạng vạng, bữa cơm của đại gia đình chỉ vỏn vẹn một nồi cơm to đặt ở giữa chiếu, mười mấy đứa nhỏ ngồi quanh nhao nhao cầm thìa vục vào. Cạnh đó, một nồi nhỏ hơn xâm xấp mì tôm vụn, một nồi canh rau rừng. Ở xã này, không chỉ có nhà Chỉn A Quân đói nghèo, mà nhà nào cũng thế.
"Binh pháp" của lính biên phòng
Trước những bộn bề khó khăn của Nậm Ban, Tỉnh ủy Lai Châu quyết định giao cho các cơ quan tìm phương cách giúp xã thoát nghèo. Tháng 8-2007, Đảng ủy Biên phòng tỉnh Lai Châu phối hợp với Huyện ủy Sìn Hồ thành lập Tổ công tác củng cố chính trị cơ sở xã Nậm Ban. Điểm "cắm bản" của đội công tác Đồn Biên phòng 303 là ngôi nhà tạm đóng ở Nậm Ô, trung tâm xã Nậm Ban, vắt vẻo trên ngọn đồi nhỏ, gồng mình với gió hun hút khi đêm xuống và cái nóng nung người khi mặt trời đứng bóng, gió Lào quét tới rộc người khi mùa hè về. Nhiệm vụ đầu tiên của 11 cán bộ, chiến sĩ "cắm bản" là phải thay đổi cách sống của đồng bào người Mảng ở Nậm Ban. Suốt mấy năm nay, một loa phóng thanh được lắp đặt ngay trước cổng trạm biên phòng, ngày hai lần phát các bản tin về tác hại của rượu, hướng dẫn cách làm nương, nuôi gà, vịt…; cả cách chăm sóc trẻ con. Kèm theo đó là các bản tin thời sự, thời tiết, để đồng bào quen dần với cách sống theo giờ giấc, bỏ dần thói quen ngủ ngày, thức đêm uống rượu tới sáng. Tiếp đó là kiện toàn lại bộ máy tổ chức, bầu chủ tịch xã mới, bầu bí thư đảng ủy xã, cán bộ biên phòng thì kiêm phó bí thư đảng ủy xã…
Đại tá Trần Hữu Phúc, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu nói: "Bà con ở đây không thích làm cán bộ. Phải tuyên truyền, thuyết phục mãi mới chịu làm. Không ít cán bộ vì say rượu mà bỏ bê công việc. Tuyển chọn khá lâu mới được chủ tịch xã bây giờ là Lý A Nhè, người dân tộc Mông". Đã nhiều lần Đại tá Trần Hữu Phúc gặp gỡ, nói chuyện về vai trò của người cán bộ với Lý A Nhè. Đến nay, Lý A Nhè đã trở thành cán bộ được biên phòng tỉnh tin tưởng.
Bữa trưa của các em học sinh Trường THCS Nậm Ban. |
Có được bộ khung cán bộ vững rồi, bộ đội biên phòng lại phối hợp với lãnh đạo xã dựng nhà cho dân, lập trạm y tế xã, xây trường học bán trú, tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình. Như mưa dầm thấm đất, từng ngày, từng tháng, những mái nhà lợp rạ được thay bằng mái tôn, nhiều căn nhà mới vững chãi hơn đã được dựng lên. Đường vào Nậm Ban đang được nghiên cứu đầu tư, trước mắt được bộ đội phát quang, mở rộng. Việc tìm ra giống cây trồng, vật nuôi thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây cũng đang được tiến hành…
Đại úy Phạm Minh Hải, Tổ trưởng tổ công tác, kiêm Phó Bí thư Đảng ủy xã tâm sự: Chúng tôi vẫn đang tìm kiếm phương cách giúp bà con thoát đói nghèo. Việc thay đổi tập quán uống rượu và bệnh lười lao động vẫn chưa làm ngay được. Không ít lần đến vận động nhưng bà con vẫn giữ cái lý của mình: "Tôi có tiền thì tôi uống, tôi có uống của nhà cán bộ đâu, tôi cũng có bắt cán bộ uống rượu đâu". Đói nghèo, lạc hậu và bảo thủ khiến cho công tác tuyên truyền, vận động của chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Chỉ có làm giảm chứ không thể thay đổi lối sống của bà con ngay được. Nhưng chúng tôi hy vọng sẽ thay đổi ở thế hệ tương lai. Đầu tư vào lớp trẻ, đó là định hướng lâu dài, là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên. Có thể nói đây là binh pháp hiệu quả mà bộ đội biên phòng đã tìm ra.
Đầu tư cho tương lai
Trao đổi với phóng viên Hànộimới, Đại tá Trần Hữu Phúc cho biết: "Tất cả những gì mà Tỉnh ủy Lai Châu, Huyện ủy Sìn Hồ và bộ đội biên phòng đang làm đã có những kết quả bước đầu. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xây dựng mô hình hợp tác xã sản xuất tập trung, đầu tư vốn để chăn nuôi, trồng trọt, cán bộ cầm tay chỉ việc cho bà con. Phải xây dựng thật nhiều mô hình sản xuất để tạo công ăn việc làm cho đồng bào. Chỉ có chăm chỉ lao động thì bà con mới không nghĩ và không có thời gian uống rượu. Trước nay, chúng ta đã thực hiện nhiều biện pháp nhưng sai lầm ở chỗ là cho bà con vay vốn để tự sản xuất. Trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, trình độ lao động thấp nên làm gì cũng thất bại mà nợ vẫn phải trả, bà con chán nản, nhất quyết không vay vốn và không chịu lao động. Thời gian tới chúng tôi sẽ đứng ra đầu tư vốn và bao tiêu sản phẩm. Điều quan trọng là cán bộ chỉ cho bà con cách làm như thế nào. Có như vậy họ mới có động lực và an tâm lao động, sản xuất. Về lâu dài, tôi nghĩ, đầu tư cho thế hệ trẻ là định hướng đúng đắn nhất, phải dạy cho các em lối sống văn minh, khác hẳn với lối sống cổ hủ, lạc hậu của thế hệ đi trước".
Hiện nay ở Nậm Ban có 3 trường, ba cấp học: mẫu giáo, tiểu học và THCS với khoảng 200 học sinh. Đặc biệt với mô hình bán trú dân nuôi, các em đã có nhà ở tập trung, không còn cảnh phải dựng lều bên suối để theo học. Thầy Nguyễn Danh Tuyên, Hiệu trưởng Trường THCS Nậm Ban cho biết: "Năm học 2008-2009 đã có 72 em (có 49 em học hệ bổ túc) đã tốt nghiệp THCS, 7 em đang theo học THPT ngoài huyện và tỉnh. Con số này tuy còn thấp nhưng cũng đáng mừng, nhất là với một xã nghèo đói và lạc hậu như Nậm Ban".
Đến thăm trường bán trú, chúng tôi thật sự xúc động. Bữa trưa của các em có cơm trắng, thịt luộc và canh bắp cải - "đây là bữa ăn thịnh soạn với vẻn vẹn 3 miếng thịt/em/bữa và một tuần 2 ngày được ăn thịt" - thầy Nguyễn Danh Tuyên cho biết. Khẩu phần ăn bình quân của mỗi em là 8 nghìn đồng/người/ngày. "Vậy là đầy đủ lắm rồi, sướng hơn ở nhà nhiều" - em Lý A Tường, học sinh lớp 7 hớn hở khoe.
Thầy Nguyễn Văn Minh, Hiệu phó kiêm giáo viên đứng lớp kể cho tôi nghe chuyện em Hạ A Hùa, học sinh lớp 7, nhà nghèo nhưng chịu khó học và thông minh. Nhiều khi bố mẹ bắt ở nhà đi làm nương nhưng hôm sau đến lớp em vẫn có thể theo kịp chúng bạn. Không chỉ có Hùa mà Chìn A Tám, Lò A Sơn, Hạ A Nhè, Giàng A Ma… đều học rất thông minh, chăm chỉ. "Chúng tôi đang hy vọng thế hệ trẻ này sẽ làm đổi thay đời sống bản làng" - thầy Nguyễn Văn Minh nói.
Không còn cảnh thầy, cô giáo phải đến từng nhà để vận động người lớn cho con em đi học, không còn hình ảnh những đứa trẻ quần áo lấm lem vì bụi bẩn, người gầy nhẳng, tay khư khư vác chai rượu về nhà… trẻ em ở Nậm Ban giờ sống tự lập, chăm chỉ, hiếu học và cởi mở, khác hẳn với sự lầm lì, kiệm lời của cha mẹ chúng. Đầu tư vào thế hệ trẻ là cách làm đúng để đưa Nậm Ban thoát nghèo trong tương lai.