Huyện Phúc Thọ: Phát triển kinh tế, tạo đột phá xây dựng nông thôn mới

Đời sống - Ngày đăng : 07:43, 04/08/2010

Phúc Thọ là huyện thuần nông, kinh tế còn nhiều khó khăn do xuất phát điểm thấp, ngành nghề chậm phát triển. Vượt lên những thách thức này, Phúc Thọ xác định nhiệm vụ trọng tâm tập trung phát triển kinh tế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp tạo bước đột phá xây dựng nông thôn mới. Phúc Thọ là một trong ba địa phương có phong trào sản xuất nông nghiệp mạnh nhất TP Hà Nội.


Kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm


Nông dân thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ chăm sóc rau xanh.  Ảnh: Bá Hoạt

Để khai thác thế mạnh sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ huyện Phúc Thọ đã ban hành những nghị quyết phù hợp, xác định chuyển dịch cơ cấu kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm. Trong phát triển kinh tế, huyện đã có nghị quyết chuyên đề tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về khai thác lợi thế đất đai, chuyển dịch sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được 716ha đất vùng trũng cấy lúa thu nhập thấp sang làm kinh tế trang trại, vườn trại; trong đó có 215 trang trại, tăng 144 trang trại và 500 vườn trại, tăng 191 vườn trại so với năm 2005. Các diện tích chuyển đổi tạo ra sản phẩm hàng hóa đa dạng và giá trị thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm. Có những trang trại VAC kết hợp trồng trọt - chăn nuôi thu từ 450 - 500 triệu đồng/ha/năm. Đi đôi với việc dồn điền đổi thửa, các cấp chính quyền đã quan tâm đến công tác khuyến nông, tổ chức cho nông dân đi tham quan, học tập đưa giống mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật như: gieo lúa thẳng hàng bằng giàn sạ kéo tay, hỗ trợ canh tác lúa cải tiến SRI, che phủ nilông cho mạ, sử dụng thuốc diệt cỏ... Hằng năm, diện tích cấy lúa trên địa bàn thực hiện theo phương pháp gieo sạ bằng giàn kéo tay đạt trên 3.000ha, đã thay đổi tập quán canh tác theo hướng thâm canh đạt năng suất cao. Bên cạnh cây lương thực, Phúc Thọ còn khai thác thế mạnh về các loại rau, củ, quả ở vùng bãi ven sông Hồng và một số xã vùng đồng. Sản xuất vụ đông đã trở thành vụ chính với diện tích khoảng 4.200ha cây đậu tương và ngô, chiếm 80% diện tích lúa. Chăn nuôi phát triển mạnh, các địa phương thực hiện tốt phòng, chống dịch bệnh, hình thành một số mô hình chăn nuôi tập trung xa khu dân cư. Đẩy mạnh phát triển tổng đàn và chất lượng vật nuôi; sản lượng lợn hơi xuất chuồng hằng năm trên 13.500 tấn, tăng 12,3%, thủy sản 2.100 tấn, tăng 75% so với năm 2005, đàn gia cầm, thủy cầm duy trì 900.000 đến một triệu con.

Trên lĩnh vực phát triển triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, Phúc Thọ đã có nhiều khởi sắc. Giá trị sản xuất năm 2010 ước đạt 275 tỷ đồng, tăng 57,1% so với năm 2005, góp phần thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển. Trong 5 năm (2005-2010), Phúc Thọ đã đầu tư gần 55 tỷ đồng xây dựng các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ nông thôn phục vụ việc mở rộng trao đổi nông sản hàng hóa. Để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngoài làm tốt công tác giải phóng mặt bằng 25 dự án với diện tích thu hồi đất khoảng 135ha, huyện đã đề nghị thành phố phê duyệt quy hoạch xây dựng 10 cụm công nghiệp, diện tích khoảng 100ha để thu hút các dự án đầu tư.

Văn hóa là nền tảng

Kinh tế phát triển mạnh, Phúc Thọ có điều kiện chăm lo xây dựng nông thôn mới và nâng cao dân trí cho người dân. Huyện đã quan tâm đầu tư xây dựng và chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn cùng công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, đầu tư cho giáo dục - y tế, nâng cấp điện nông thôn… Trong 5 năm, Phúc Thọ đã xây mới, cải tạo, nâng cấp 1.068 phòng học, 21 trạm y tế, 23 trụ sở làm việc, 105 nhà văn hóa, 151km đường giao thông liên thôn, liên xã... với tổng vốn đầu tư toàn xã hội lên tới 2.300 tỷ đồng. Các lĩnh vực văn hóa xã hội, an ninh, quốc phòng được củng cố, giữ vững. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa ngày càng được đẩy mạnh và phát triển rộng khắp. Tính đến nay, toàn huyện có 82/83 làng có quy ước làng văn hóa, 80% hộ gia đình, 67,5% làng và 31,3% cơ quan đạt danh hiệu văn hóa. Công tác giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe cộng đồng có nhiều tiến bộ so với những năm trước đây. Trên địa bàn, mạng lưới trạm y tế được xây dựng và trang bị máy móc dụng cụ y tế đầy đủ, phục vụ tốt việc điều trị chăm sóc sức khỏe nhân dân. Phúc Thọ đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở. Điều dễ nhận thấy là các chủ trương, nghị quyết của Đảng được thống nhất cao trong tư tưởng nhận thức đi vào cuộc sống. Phong trào thi đua yêu nước có sự đóng góp công sức, trí tuệ của cán bộ và nhân dân; những hoạt động văn hóa - xã hội hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được người dân Phúc Thọ quan tâm nhiệt tình hưởng ứng.

Một số chỉ tiêu kinh tế, xã hội chủ yếu nhiệm kỳ 2010 - 2015
* Tốc độ tăng trưởng GDP: 11%/năm trở lên.
* Tổng vốn đầu tư phát triển kinh tế, xã hội đạt 5.600 tỷ đồng.
* Tỷ trọng các ngành kinh tế: nông nghiệp chiếm 22%; công nghiệp, xây dựng cơ bản 42%; dịch vụ thương mại 36%.
* Thu nhập bình quân đầu người 25 triệu đồng/năm.
* Phấn đấu đến năm 2015 có 50% xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.
* Hộ nghèo mỗi năm giảm từ 1,5% trở lên.
* Tạo việc làm mới hằng năm cho 2.500-3.000 lao động.
* Lựa chọn khâu đột phá:
- Cải cách hành chính và công tác cán bộ.
- Quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội; phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.

Trương Quang Thiều - Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ