“Công” không ít, “tội” không nhỏ
Kinh tế - Ngày đăng : 07:05, 04/08/2010
Sản phẩm do các doanh nghiệp dược phẩm trong nước sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu của người bệnh.Ảnh: Dương Thùy
Những đóng góp không nhỏ
Theo Cục Quản lý dược Việt Nam, tính đến nay, đã có 521 doanh nghiệp dược nước ngoài đăng ký hoạt động tại Việt Nam. Các nước Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp và Đức có số công ty cũng như số thuốc đăng ký kinh doanh nhiều nhất. Riêng trong năm 2009, có 2.086 loại thuốc nước ngoài được cấp số đăng ký, chủ yếu là kháng sinh và kháng viêm. Gần 60% thuốc (tính theo trị giá) cho thị trường thuốc Việt Nam (tổng giá trị nhập khẩu thuốc thành phẩm năm 2009 đạt 904.890 nghìn USD, tăng 19,10% so với năm trước) với nhiều loại thuốc đặc trị, chuyên khoa sâu, thuốc có công nghệ cao mà Việt Nam chưa sản xuất được để phục vụ cho nhu cầu điều trị bệnh của nhân dân là do các doanh nghiệp này cung cấp. Các đơn vị này cũng cung ứng nguồn nguyên liệu chủ yếu phục vụ ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm ở Việt Nam với giá cả hợp lý, chất lượng bảo đảm (90% nguyên liệu sản xuất thuốc là nhập khẩu). Một vài con số cho thấy, cùng với doanh nghiệp dược trong nước, các công ty nước ngoài và nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài đã có những đóng góp lớn cho ngành dược Việt Nam.
Thêm nữa, chính sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp dược nước ngoài là động lực thúc đẩy khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước. Đơn cử như trước đây, thuốc sản xuất trong nước chủ yếu là nhóm thuốc hạ nhiệt giảm đau, kháng sinh, kháng viêm thì nay, một số doanh nghiệp trong số hơn 300 đơn vị tham gia sản xuất thuốc của Việt Nam đã bắt đầu đầu tư sản xuất các nhóm thuốc có tỷ lệ sử dụng đang tăng hay thuốc chuyên khoa (tim mạch, tiểu đường, thần kinh, nội tiết..). Người bệnh, nhất là những người có thu nhập thấp đã có thể lựa chọn thuốc nội với tính năng tương tự với giá rẻ thay cho thuốc nhập khẩu giá cao. Sự có mặt của họ còn là cầu nối để chuyển giao các công nghệ kinh doanh cũng như sản xuất hiện đại, đặc biệt là trong sản xuất các loại vắc xin tái tổ hợp phòng chống viêm gan B, viêm não Nhật Bản, tả, sởi, bại liệt, dại…; tăng cường và bổ sung thêm nhiều thông tin về thuốc cho người dân và cán bộ y tế. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng, nhất là với tuyến y tế cơ sở, bởi tỷ lệ người dùng thuốc "vô tội vạ" hiện nay vẫn rất cao.
Vẫn vi phạm về chất lượng
Năm 2009 và 6 tháng đầu năm nay, Cục Quản lý dược đánh giá thị trường dược phẩm về cơ bản ổn định, không xảy ra tình trạng tăng giá đồng loạt, đột biến. Tuy nhiên, thực tế thị trường cho thấy, cũng có thời gian giá thuốc leo thang và thị trường thuốc rơi vào thế độc quyền của một số nhà phân phối nước ngoài với tỷ lệ chênh lệch lớn giữa giá thuốc mua vào và giá bán ra. Đáng lưu ý, vẫn tái diễn tình trạng mua bán lòng vòng nâng giá bán cao hơn nhiều lần giá đã kê khai tại Cục Quản lý dược. Có thuốc được bán ra tại công ty và nhà thuốc bệnh viện chênh lệch đến hàng 100% so với giá nhập. Theo một kết quả khảo sát của Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược Việt Nam trên 5.760 lượt mặt hàng thuốc trong năm 2009, cũng có 32 mặt hàng thuốc ngoại tăng giá (chiếm 0,55%) với mức tăng 5,1%. Giá thuốc tăng ít hay nhiều đều đã làm ảnh hưởng đến người dân, đặc biệt với bệnh nhân nghèo. Trước thực trạng này, Thanh tra Bộ Y tế đã kiến nghị cần có biện pháp kiểm soát việc kê khai giá đúng giá trị thực, đặc biệt là những quy định cụ thể về các yếu tố cấu thành giá khi doanh nghiệp kê khai giá thuốc với Cục Quản lý dược. Cơ quan quản lý cũng đang tính đến việc áp dụng các biện pháp hạn chế, thay thế hàng độc quyền giá cao bằng các mặt hàng tương đương có giá hợp lý.
Chất lượng thuốc nhập khẩu không bảo đảm cũng đang là "vấn đề". Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược Việt Nam nhận định, số lượng thuốc nhập khẩu vi phạm chất lượng đang có xu hướng tăng lên từng năm. Cụ thể, năm 2009 có 47 mẫu vi phạm, con số này năm 2008 chỉ là 41. Đứng đầu danh sách quốc gia có số thuốc vi phạm nhiều nhất là Ấn Độ (37 mẫu thuốc) và nhóm thuốc vi phạm nhiều nhất là kháng sinh 22 mẫu (Cefixime, Cefaclor, Rifampicin), tiêu hóa 6 mẫu (Omeprazole, Lanzoprazole), 5 mẫu kháng viêm. Hàn Quốc có 4 mẫu và Mỹ có 2 mẫu vắc xin vi phạm… Hầu hết các vi phạm là về giá cả và chất lượng thuốc (hàm lượng hoạt chất, độ hòa tan, thời hạn sử dụng...). Bên cạnh đó, có 18 đơn vị có mẫu thuốc vi phạm về quy chế thông tin- quảng cáo thuốc như quảng cáo khi chưa có hồ sơ đăng ký, quảng cáo không đúng với hồ sơ đăng ký và sử dụng lợi ích vật chất để thúc đẩy sử dụng thuốc...
Những loại vi phạm trên cho thấy, công tác quản lý của các cơ quan chức năng nước ta vẫn còn nhiều "lỗ hổng" cần điều chỉnh. Còn các doanh nghiệp nước ngoài cũng mong muốn cơ quan chủ quản thông tin kịp thời, đầy đủ hơn tới doanh nghiệp về những văn bản, quy định pháp luật mới, hay công khai quá trình xét duyệt hồ sơ đăng ký… để họ hoàn thành đúng thủ tục quy định, tránh những sai phạm đáng tiếc thời gian qua nhằm đạt được mục tiêu có chỗ đứng vững chắc trên thị trường đầy tiềm năng này.