Tuân thủ quy tắc bảo tồn di sản
Xã hội - Ngày đăng : 08:14, 03/08/2010
Một góc Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Đàm Duy |
Hành trình gian nan
Giá trị của Khu di tích Hoàng thành Thăng Long vô cùng phong phú. Từ những di tích tồn tại trên mặt đất đến những hiện vật khảo cổ học được tìm thấy đều khẳng định: Nơi đây liên tục trong hơn một thiên niên kỷ là nơi giao thoa các giá trị nhân văn, nghệ thuật điêu khắc, nghệ thuật kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, quy hoạch đô thị và nghệ thuật tạo dựng cảnh quan hết sức độc đáo. Đây cũng là trung tâm quyền lực nối tiếp nhau của Việt Nam trong hơn một nghìn năm lịch sử và là minh chứng có một không hai về sự phát triển của một nhà nước quân chủ vùng Đông Nam Á và Đông Á... Tuy nhiên, quá trình xây dựng hồ sơ đề cử Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản thế giới gặp không ít khó khăn.
Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản thứ 900 được công nhận Di sản thế giới. Trước đó, Việt Nam đã có 3 di sản thế giới là: Quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận năm 1993, Phố cổ Hội An và khu di tích Mỹ Sơn được công nhận năm 1999; hai di sản thiên nhiên là Vịnh Hạ Long được công nhận lần đầu năm 1994, lần 2 vào năm 2000 và Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng vào năm 2003. |
GS Phan Huy Lê, người chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng hồ sơ cho biết: Hàng chục nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực đã dành 4 năm với tất cả tâm huyết và kiến thức để nghiên cứu những hiện vật đã phát lộ, sau đó "chắt lọc" những gì tinh túy nhất, khoa học nhất để xây dựng hồ sơ. Bởi thế, bộ hồ sơ tuy ngắn gọn trong 162 trang khổ A4 nhưng đã xác định rõ giá trị di sản, mô tả di sản, nêu tình trạng bảo tồn và những nhân tố tác động đến di sản, các giải pháp bảo vệ, quản lý di sản và được các chuyên gia của UNESCO đánh giá rất cao.
Mặc dù đã có sự chuẩn bị công phu, nhưng tại vòng xét duyệt thứ hai, Tổ chức chuyên môn độc lập của UNESCO (ICOMOS) yêu cầu cần mở rộng thêm về quy mô, mở rộng diện tích khai quật khảo cổ học, phần phân tích, so sánh với các di sản khác phải nhiều hơn; việc quản lý, bảo vệ, bảo tồn cần thống nhất hơn... Một lần nữa các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, tỉ mỉ, khoa học về giá trị của khu di tích, tập hợp thành văn bản rồi dịch ra tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha đáp ứng những vấn đề ICOMOS yêu cầu.
Quá trình lao động khoa học không mệt mỏi như vậy đã giúp hồ sơ Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long thuyết phục được các thành viên UNESCO - GS Phan Huy Lê khẳng định.
Bảo tồn di sản - khó cũng phải làm
Quyết định của UNESCO đem lại cho đất nước Việt Nam nói chung, cho Thủ đô Hà Nội nói riêng một niềm vinh dự, tự hào, một cơ hội phát triển du lịch, quảng bá văn hóa, nhưng khó khăn, thử thách cũng không ít. Trả lời báo giới, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn cho rằng: "Trong thời gian tới, chúng ta không những phải tiếp tục bảo tồn toàn vẹn di tích, mà còn phải trả lại cho Hoàng thành những di tích trước đây từng có. Làm được điều này rất khó bởi phải huy động đến nguồn nhân lực, vật lực khổng lồ. Song, khó cũng phải làm vì chúng ta cần chứng minh cho thế giới thấy rằng, quyết định của UNESCO đưa Trung tâm Hoàng thành Thăng Long vào danh sách Di sản thế giới là hoàn toàn đúng đắn".
Trao đổi với phóng viên Hànộimới, PGS - TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, nhấn mạnh: Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận là di sản thế giới là cơ sở pháp lý để việc triển khai tôn tạo, bảo vệ di tích được dễ dàng hơn; di tích cũng có điều kiện tiếp cận với công nghệ bảo tồn di sản tiên tiến trên thế giới tốt hơn. Tuy nhiên, TS Đặng Văn Bài lưu ý rằng, sau khi được vinh danh, nếu chúng ta không làm đúng theo công ước quốc tế về bảo vệ di sản thì danh hiệu có thể bị thu hồi. Trường hợp xây cầu bắc qua thung lũng tuyệt đẹp Elbe ở Dresden (Đức) là một ví dụ. Vì vậy, cùng với niềm tự hào được vinh danh, ngay bây giờ từ các cơ quan hữu quan đến mỗi người dân cần tuân thủ nghiêm ngặt những quy tắc bảo tồn di sản.
Về lâu dài, TS Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa cho rằng: Cách bảo tồn tốt nhất là xây dựng một quy hoạch tổng thể hoàn chỉnh, cụ thể trong từng năm, từng giai đoạn đối với di tích Hoàng thành.