Vẫn là chuyện nan giải
Tuyển sinh - Ngày đăng : 08:10, 03/08/2010
Tuyển sinh ĐH - CĐ năm 2010
>> Tra cứu điểm thi tuyển sinh ĐH-CĐ trên HNMO
Thí sinh xem điểm thi tại Trường Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Đàm Duy |
Điểm chuẩn - bài toán khó
Điểm vào trường rất cao của ĐH Y Hà Nội đã từng được đại biểu Quốc hội đưa ra làm dẫn chứng cho nhận định "bất hợp lý trong đào tạo" tại kỳ họp của Quốc hội ngay trước kỳ thi: thí sinh đạt 27 điểm vẫn trượt trong khi thí sinh 15 điểm đỗ ĐH. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Vân Yến đặt vấn đề: Các bệnh viện thiếu bác sĩ chính quy. Như vậy xảy ra hiện tượng các tỉnh hầu hết đều mở trường trung cấp y, các bệnh viện cử nhân viên trung cấp đi học ĐH y. Chất lượng đào tạo bác sĩ theo hướng này là đáng lo ngại.
Làm rõ "sự bất hợp lý" nói trên, Bộ GD-ĐT đưa ra các thông tin về kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy năm 2009. Tổng số hồ sơ đăng ký dự thi vào 14 trường ĐH y - dược là 71.115, trong đó chỉ tiêu tuyển sinh của 14 trường này là 8.120. Như vậy, cứ xấp xỉ 9 hồ sơ đăng ký dự thi, có 1 thí sinh trúng tuyển. Hơn nữa, thí sinh đăng ký dự thi vào các trường ĐH y - dược thường có học lực khá trở lên, khi xét tuyển, các trường căn cứ kết quả thi của thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT, xét tuyển trên nguyên tắc lấy từ thí sinh có kết quả thi cao nhất trở xuống cho đủ chỉ tiêu đã xác định, do vậy, điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 vào các trường ĐH khối này thường rất cao. Cá biệt, có năm Trường ĐH Y Hà Nội có điểm trúng tuyển đến 27 điểm/3 môn thi (không nhân hệ số), như vậy, để trúng tuyển thí sinh phải đạt bình quân 9 điểm/1 môn thi. Điều đó cũng có nghĩa là, những thí sinh có kết quả thi từ 26,5 điểm trở xuống có thể không trúng tuyển nguyện vọng 1 vào Trường ĐH Y Hà Nội. Và ngược lại, cũng có thí sinh chỉ cần 15 điểm là trúng tuyển ĐH (không phải ngành y dược).
Tất nhiên, những thí sinh trượt nguyện vọng 1 vẫn còn 2 cơ hội để tham gia đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2 hoặc nguyện vọng 3 vào các trường ĐH khác, vì có kết quả thi cao, nên khả năng trúng tuyển rất lớn. Chỉ một số trường hợp cá biệt, thí sinh không có nguyện vọng học tại các trường khác, không nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3, nên dù có điểm rất cao vẫn không đỗ ĐH.
Điều chỉnh nhưng phải bảo đảm chất lượng
Trong khi vì điểm chuẩn của một số trường thuộc nhóm trên quá cao, những thí sinh không trúng tuyển vẫn có thể có lựa chọn khác, thì vấn đề mà các trường này phải đối mặt là việc tuyển không đủ chỉ tiêu. Năm nay, Trường ĐH Y Hà Nội có 15.934 hồ sơ đăng ký dự thi và số thí sinh thực tế đi thi đạt tới gần 93% (năm 2009 chưa tới 70%). Theo ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng nhà trường, về lý thuyết thì sự cạnh tranh lớn hơn năm ngoái. Nhưng dù thế nào thì để phòng trường hợp không tuyển đủ chỉ tiêu như có năm đã xảy ra, do trường xác định điểm trúng tuyển cao và nhiều thí sinh trúng tuyển nhưng không đến nhập học, năm nay trường dự kiến các chuyên ngành như Cử nhân điều dưỡng, Y học dự phòng sẽ gọi trúng tuyển "trừ hao" tới 200%, còn các chuyên ngành khác thì ít nhất cũng hơn 100%.
Sự lo xa của Trường ĐH Y Hà Nội là có lý nếu như nhìn lại diễn biến tuyển sinh vài năm trở lại đây. Điểm chuẩn ngành Bác sĩ đa khoa năm 2007 là 27,5 điểm, năm 2008 là 27, năm 2009, thí sinh chỉ cần 25,5 điểm là trúng tuyển chuyên ngành đắt giá này. Năm nay, dù vẫn là ngành "hot" nhất trường, điểm chuẩn ngành Bác sĩ đa khoa được dự kiến là 23,5 điểm, bác sĩ răng - hàm - mặt 19,5 điểm (năm 2009 là 25,5).
Còn Trường ĐH Y Thái Bình đang đưa ra mức điểm chuẩn cao nhất cho ngành Bác sĩ đa khoa là 22,5 điểm. Trong khi điểm chuẩn ngành này cách đây 2 năm là 25,5 và năm ngoái là 24 điểm. Tương tự, Trưởng phòng Đào tạo Trần Việt Hùng của Trường ĐH Dược Hà Nội cho biết điểm chuẩn sẽ giảm 1,5 điểm so với mức 25 điểm của năm 2009.
Cũng năm ngoái, một hiện tượng khiến nhiều người ngỡ ngàng là trong danh sách tuyển nguyện vọng 2, 3 xuất hiện những trường danh tiếng như ĐH Y Hà Nội (tuyển nguyện vọng 3), ĐH Y Hải Phòng (tuyển nguyện vọng 2, 3), ĐH Y tế Công cộng (tuyển nguyện vọng 2)... Đó là lần đầu tiên ĐH Y Hà Nội phải "tận dụng" tới các nguyện vọng tiếp theo và xét tuyển hơn 100 chỉ tiêu nguyện vọng 3.
Như vậy, "đầu vào" ĐH Y, Dược chính quy vốn là "khắc tinh" của nhiều thí sinh, cũng đã có sự điều chỉnh theo thực tế, cố nhiên, chất lượng đào tạo thầy thuốc vẫn là ưu tiên hàng đầu.