Nơi người khuyết tật tìm thấy niềm tin
Đời sống - Ngày đăng : 07:27, 03/08/2010
Trung tâm nhân đạo Minh Tâm thành lập tháng 11-2006 với mục đích hỗ trợ người khuyết tật học chữ, học nghề và có việc làm. Đây cũng là nơi để người khuyết tật sinh hoạt, giao lưu, xoa dịu nỗi đau, vượt qua tật nguyền để hòa nhập với cộng đồng và xã hội. Hiện tại trung tâm đang dạy nghề và tạo việc làm cho 100 người khuyết tật.
Giám đốc trung tâm Vũ Thị Xiêm cho biết, thời gian đầu mới thành lập trung tâm, chị phải đối mặt với muôn vàn khó khăn về vốn, cơ sở sản xuất, khách hàng cho đến những khó khăn trong việc nhận người khuyết tật vào làm, rồi lo ăn ở, sinh hoạt cho họ. "Đã có lúc tôi tưởng không thể tiếp tục được nữa. Nhưng rồi với sự giúp đỡ, động viên của gia đình, bạn bè, cộng với sự quyết tâm, tôi đã vượt qua tất cả", chị Xiêm tâm sự. Hiện tại, trung tâm chuyên dạy các nghề cắt may công nghiệp, mây đan xuất khẩu và mộc điêu khắc cho người khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn. Dù mới thành lập được gần 4 năm nhưng trung tâm đã có được nhiều thành công đáng khích lệ, nhận được nhiều đơn đặt hàng lớn và thường xuyên từ Tổng Công ty Sông Đà, Công ty Xuất khẩu thương mại Tuấn Hậu, Công ty Mây tre đan xuất khẩu Ngọc Động, Công ty Xuất khẩu Phú Vinh...
Chị Bùi Thị Miền, sinh năm 1978, ở Kim Bôi, Hòa Bình không may bị tai nạn xe công nông, cụt hai chân từ năm lên 6 tuổi. Mặc cảm với số phận, chị thường sống khép kín, chán nản, ít giao tiếp với mọi người xung quanh, từ ngày sống và làm việc ở trung tâm, chị Miền đã thay đổi hẳn, vui vẻ và thân thiện hơn. Hiện chị đang làm nghề may với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng. Anh Đinh Văn Tới, ở huyện Gia Lâm, Hà Nội bị khoèo hai chân. Nghe tin trung tâm tuyển người khuyết tật vào học nghề miễn phí và lo cho chỗ ăn ở, sinh hoạt, anh Tới đã đến xin học nghề mộc điêu khắc. Được sự giúp đỡ của mọi người, anh đã có tay nghề kha khá, hằng tháng nhận được mức lương hơn 1 triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Cường, ở Hải Dương mắc bệnh cứng khớp hông, không ngồi được, đến trung tâm làm việc đã được hơn 2 năm. Từ một người không có tay nghề, sau hơn 5 tháng chăm chỉ học việc, anh đã thành thạo nghề mộc. Giờ đây, anh đã có thể tự kiếm tiền nuôi sống bản thân.
Hiện tại công việc ở trung tâm đã ổn định nhưng chị Xiêm còn có ý định mở rộng và phát triển hơn nữa bởi chị thấy còn rất nhiều người nghèo khổ, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam mong muốn được học nghề và làm việc để vơi bớt khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên để thực hiện được tâm huyết của mình, chị Vũ Thị Xiêm rất mong các cấp, các ngành, các đoàn thể và các hội từ thiện tiếp tục hỗ trợ kinh phí, trang thiết bị để trung tâm hoạt động có hiệu quả hơn.