Không phải là thắng – thua
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:13, 03/08/2010
Sau 14 năm xả nước thải công nghiệp chưa qua xử lý ra sông Thị Vải, Công ty sản xuất bột ngọt VEDAN đã gây ô nhiễm một vùng rộng lớn, làm mất nguồn thu thủy sản, đe dọa cuộc sống của hàng nghìn hộ dân, gây nhiễm độc đất, nước, hủy hoại môi trường sống, ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe của dân cư ven sông thuộc 3 địa phương là TP Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau khi bị phát hiện, Công ty VEDAN đã cố tình dây dưa không nhận lỗi và bồi thường nhỏ giọt dưới danh nghĩa "hỗ trợ" cho khoảng 3.000 hộ nông dân, mức cao nhất 130 tỷ đồng trong khi mức độ thiệt hại của người dân ít nhất khoảng 217 tỷ đồng (khoảng trên 10 triệu USD).
Không thể kéo dài hơn quá trình thương lượng, để bảo đảm thời hiệu xử lý theo pháp luật, nông dân các địa phương trên đã gửi đơn kiện đến tòa án. Như vậy là ở Việt Nam đã có một vụ kiện về môi trường mà bên nguyên là những người dân thường và bên bị là một doanh nghiệp nước ngoài, kết quả vụ kiện đến đâu còn chờ vào phán quyết của tòa án.
Câu chuyện về VEDAN là thế và bài báo này cũng không đi sâu hơn. Điều muốn bàn là qua sự kiện này, có thể rút ra điều gì từ vụ VEDAN và những trường hợp tương tự, kể cả VEDAN NGOẠI và VEDAN NỘI để tránh những thiệt hại như chúng ta đang phải chứng kiến trong quá trình phát triển và hội nhập.
Câu hỏi đầu tiên là VEDAN xây dựng nhà máy trên đất Việt Nam (tức là phía Việt Nam đã duyệt thiết kế và giám sát xây dựng), nhà máy này do công nhân Việt Nam thi công, vận hành. Vậy, tại sao sau 14 năm, việc lén lút xả nước thải độc hại qua đường ống ngầm ra sông mới bị phát hiện? Phải chăng những người có trách nhiệm không biết và những công nhân trực tiếp xây dựng, trực tiếp vận hành cũng không biết về đường ống xả nước thải nguy hại này ?
Câu hỏi thứ 2, sau khi có vụ VEDAN, người ta còn phát hiện thêm nhiều vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khác, cả các doanh nghiệp có vốn nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước, điển hình như TungKuang (Hải Dương), Rượu cồn (Quảng Ngãi)… VEDAN không phải là doanh nghiệp duy nhất gây ô nhiễm môi trường ở nước ta. Vậy ngay tại Hà Nội, có bao nhiêu doanh nghiệp vi phạm như VEDAN nhưng chưa bị phát hiện. Nếu không có những doanh nghiệp xả nước thải ra sông ngòi hoặc để tràn thấm lênh láng chất thải độc hại ra đất thì không thể có chuyện sông Nhuệ, sông Đáy, sông Mỹ Hà, sông Đuống và cả sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội bị ô nhiễm như hiện nay. Sông, hồ, ao bị ô nhiễm là do các nhà máy, các làng nghề thải chất bẩn ra mà không bị ngăn cấm, xử lý hoặc xử lý còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe.
Đất và nước, hai môi trường sống rất quan trọng của con người đang bị đe dọa hằng ngày hằng giờ và vụ VEDAN là một thí dụ. Hiểu ra được điều này tức là chúng ta đã văn minh hơn, khôn ngoan hơn trong phát triển và hội nhập, vì cuộc sống của 86 triệu người dân nước Việt. Có lẽ đó là điều được nhất từ vụ này, chứ không phải ai thắng, ai thua.