Xuất khẩu ở Hà Nội: Băng nhanh về đích
Kinh tế - Ngày đăng : 06:48, 02/08/2010
Những kết quả đáng ghi nhận
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty Dệt 19-5. Ảnh: Huyền Linh
Các thị trường xuất khẩu chủ yếu gồm ASEAN chiếm tỷ trọng 22,2%, EU 14,6%, Trung Quốc 14,1%, Nhật Bản 13,9% và Hoa Kỳ 12,3%... Các thị trường này được giữ vững do nền kinh tế thế giới đang qua thời kỳ suy giảm, sức mua tăng, trong khi một số hiệp định song phương hoặc đa phương có hiệu lực, như các Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, ASEAN - Trung Quốc, ASEAN - Australia - New Zealand… Từ đó, nhiều mặt hàng của nước ta được giảm thuế suất và doanh nghiệp (DN) đã tận dụng lợi thế để đẩy mạnh xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay, hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu đều tăng. Trong đó, tăng nhiều là dệt may tăng 22,6%, linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi 35,4%, điện tử tăng 32%, than đá 17,4%, xăng dầu tạm nhập tái xuất 8,9%… Đáng mừng là do tác động của việc tăng giá trên thị trường quốc tế, nên nhiều mặt hàng được lợi, góp phần làm tăng KNXK nói chung.
Tuy nhiên, KNXK 7 tháng của khối các DN nhà nước đã giảm khoảng 1,2% so với cùng kỳ, ảnh hưởng đến kết quả chung, trong khi đáng lẽ những đơn vị này vẫn phải chứng tỏ được vị thế chủ đạo trên địa bàn. Ngoài ra, một số nhóm hàng có mức tăng thấp hơn mức tăng bình quân hoặc giảm, đó là nhóm nông sản giảm khoảng 13,5% do giá xuất khẩu cà phê và hạt tiêu giảm; nhóm hàng khác gồm máy móc thiết bị, vật liệu xây dựng, khoáng sản, mỹ nghệ… cũng chỉ tăng không đáng kể. Đây là thực trạng đáng cảnh báo để ngành chức năng, các DN tìm cách khắc phục kịp thời và cải thiện tình hình trong những tháng tới.
Kim ngạch xuất khẩu cả năm dự báo tăng 8-10%
Để mở rộng thị trường xuất khẩu, từ nay đến cuối năm, Hà Nội và các ngành chức năng sẽ tổ chức cho DN trong nước giao thương với DN ở các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ. Sở Công thương tiếp tục tổ chức cho DN tham gia các hội chợ quốc tế và trong nước theo chuyên đề, khảo sát thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Trung Quốc... Đây là cơ hội để các đơn vị quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, thành phố đã chỉ đạo cơ quan chức năng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động xuất - nhập khẩu (thuế, hải quan, cấp phép); rút ngắn thời gian thông quan, nhất là đối với nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất và gia công hàng xuất khẩu; rút ngắn thời gian quyết toán thuế, hoàn thuế VAT và thời gian giải quyết thủ tục cho DN trong việc cấp phép dự án đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu. Đẩy nhanh việc ứng dụng khai báo thủ tục hải quan, kê khai thuế qua mạng internet. Năm 2010 nền kinh tế đã có được một nền tảng cơ sở hạ tầng từ chính sách kích cầu năm 2009, Chính phủ cũng đề ra nhiều giải pháp tích cực đẩy mạnh xuất khẩu: xây dựng đề án phát triển công nghiệp phụ trợ; cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính; tập trung vào các thủ tục về thuế, đất đai, hải quan, cấp phép đầu tư, điều hành tỷ giá hợp lý...
Dự báo, từ nay đến cuối năm, nếu các DN vẫn duy trì KNXK đã đạt được như bình quân 6 tháng đầu năm, KNXK năm 2010 trên địa bàn ước đạt hơn 6,8 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2009 (chỉ tiêu do HĐND TP giao là tăng 5-6%). Nhưng nếu KNXK của các tháng cuối năm đạt bình quân hơn 600 triệu USD/tháng, thì tổng KNXK cả năm sẽ đạt khoảng 7 tỷ USD, tăng khoảng 10%.