Cái giá của thảm họa
Thế giới - Ngày đăng : 06:26, 02/08/2010
Người dân Mỹ biểu tình phản đối BP sau thảm họa tràn dầu. |
Trang sử buồn nối dài thêm những rắc rối vừa được khẳng định khi đại diện BP cùng thân nhân người thiệt mạng trong vụ nổ giàn khoan Deepwater Horizon và những người dân Mỹ đầu tiên bị ảnh hưởng bởi dầu tràn đã cùng xuất hiện trong phiên đối chất đầu tiên của một phiên tòa không hứa hẹn sớm kết thúc. Bước tố tụng tại Boise, bang Idaho thuộc miền Tây nước Mỹ này đã mở màn cho vụ kiện thế kỷ do tính chất phức tạp của vụ việc cũng như khoảng thời gian xét xử dự kiến kéo dài trong nhiều năm.
Ngoài núi đơn tố cáo mà Ủy ban Tư pháp về giải quyết tranh chấp liên khu vực của Mỹ (MDL) phải thụ lý, có tới khoảng 200 nguyên đơn đang sẵn sàng chống lại "đại gia" dầu khí xứ Sương mù. Về phía bị đơn, không chỉ có "khổ chủ" BP mà Công ty Transocean (chủ sở hữu giàn khoan Deepwater Horizon) và Cameron International (công ty sản xuất nắp đậy bị lỗi nên không ngăn được dầu tràn) cũng phải đối mặt với "vòng lao lý". Mức độ nghiêm trọng của thảm họa môi trường tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ đã khiến chủ thể xét xử bối rối. Hiện 7 thẩm phán của MDL chưa thể đưa ra quyết định về nơi diễn ra phiên tòa, phương thức chọn chánh án, có nên dồn các vụ kiện thành một hay không… trước hàng loạt những ý kiến khác nhau. Việc chưa thể xác định chính xác mức độ ảnh hưởng của thảm họa trên cả phương diện môi trường, kinh tế và xã hội là yếu tố cho thấy sự vụ không thể kết thúc trong ngày một ngày hai.
Trong khi chờ đợi câu trả lời không thể có sớm hơn trong 1 đến 2 tuần nữa, BP tiếp tục bị ngập sâu trong đầm lầy bê bối với thông tin Mỹ đang chuẩn bị điều tra hình sự tập đoàn danh giá này vì đã lừa dối dư luận về sự cố tràn dầu. "Tội danh" báo cáo sai sự thật với các nhà quản lý hay làm sai lệch kết quả kiểm tra nếu cấu thành sẽ là một cú đấm mạnh vào gã khổng lồ xứ Sương mù vốn đang liêu xiêu bởi biến cố ngoài tầm kiểm soát.
Kể từ "Ngày thứ Ba đen tối" (20-4) đến nay, cứ mỗi ngày trôi qua, BP lại phải bỏ ra gần 100 triệu USD để khắc phục sự cố tràn dầu. Với đà đều đặn này, gánh nặng tài chính mà hãng dầu nước Anh phải bỏ ra để dọn dẹp hàng triệu lít dầu đang bao phủ một vùng biển có diện tích bằng lãnh thổ của Bỉ, Luxembourg và Hà Lan cộng lại sẽ sớm đạt con số hàng chục tỷ USD. Bên cạnh đó, khoản chi phí bồi thường những tổn thất về môi trường và kinh tế đối với ngành đánh cá và du lịch có doanh số nhiều tỷ USD của Mỹ cùng các khoản tiền phạt và lệ phí hầu tòa là những thách thức đáng sợ đang rình rập BP. Khoản tiền 256 triệu USD mà tập đoàn này thông báo đã chi trả cho các cư dân bị ảnh hưởng bởi "thủy triều đen" xem ra chưa bõ bèn gì so với 60 tỷ USD được dự báo BP sẽ phải chi để thoát khỏi vụ tràn dầu.
Với 1/3 số giếng dầu và mỏ khí tự nhiên, các nhà máy lọc dầu và các cơ sở kinh doanh hiện nằm ở Mỹ, đây là thị trường đặc biệt quan trọng của BP. Các cổ đông Mỹ nắm giữ tới 40% cổ phần của hãng nên thật không ngạc nhiên khi hãng dầu nước Anh tỏ ra rất "thành tâm" khắc phục tai họa bất ngờ với hàng loạt biện pháp, từ bán tài sản ở khắp nơi trên thế giới để lập quỹ 20 tỷ USD theo yêu cầu của Nhà Trắng đến các kế hoạch tái cơ cấu sâu rộng. Quyết định thay thế Giám đốc điều hành (CEO) Tony Hayward bằng một CEO người Mỹ Robert Dudley cho thấy BP đang thực sự muốn thoát khỏi bóng tối của vụ tràn dầu. Bổ nhiệm một người bản địa vào chiếc ghế điều hành tập đoàn có trụ sở tại London - chuyện rất hiếm khi xảy ra là bước đi khôn ngoan nhằm xoa dịu cơn thịnh nộ Mỹ cũng như giảm thiểu thiệt hại trong quá trình kiện tụng của một vụ án lớn.
Vị trí thứ tư trên thế giới của đại gia BP tuột khỏi tầm tay chỉ sau 3 tháng. Bảng quyết toán khiến người ta thèm muốn với mức lợi nhuận sau thuế 17 tỷ USD của BP trong năm 2009 đã biến mất trong nháy mắt khi hãng thông báo lỗ 16,9 tỷ USD chỉ trong 3 tháng qua. Đây chắc chắn chưa phải là những con số cuối cùng và đó là cái giá mà tập đoàn có bề dày 101 năm phải trả khi để xảy ra tai họa gây nguy hại tới môi trường và cuộc sống con người.