Người tâm huyết với điệu múa cổ quê hương

Văn hóa - Ngày đăng : 06:14, 02/08/2010


Tương truyền, khi Bố Cái Đại vương dẫn quân đánh thành Tống Bình, đã giấu quân tại làng Triều Khúc. Ông chọn nơi đây làm đại bản doanh để quân nghỉ ngơi, dưỡng sức và tập luyện. Trong quân ngũ không có phụ nữ nên một số binh lính giả trai thành gái để múa nhằm khích lệ tinh thần binh sĩ. Điệu múa bồng ra đời từ đó và có truyền thống hơn 12 thế kỷ.

Múa bồng đã có từ bao đời nay nhưng trong giai đoạn này, hiếm có người dành nhiều tâm huyết cho điệu múa như ông Triệu Đình Hồng. Đến với múa bồng như một duyên nợ, năm 7 tuổi, ông Hồng được theo học cụ Bùi Văn Tốt, một trong những người hiểu sâu nhất về múa bồng thời bấy giờ. Cũng từ đó, điệu múa này luôn đồng hành cùng ông và giờ đây đã ăn sâu vào máu thịt như một duyên nợ. Giải thích về tên gọi đặc biệt của điệu múa, ông Triệu Đình Hồng cho biết, từ "đĩ" ở đây không như cách hiểu thông tục mà là gái. Trong đội múa, các "đĩ" đều là nam giới đóng giả nữ, mặc áo váy, chít khăn mỏ quạ và đeo chiếc trống bồng trước ngực. Từng cặp "đĩ" nhảy múa và lả lướt tạo dáng theo nhịp trống. Trong múa bồng, điều đặc biệt chính là khuôn mặt các "đĩ" lúc nào cũng phải thể hiện được niềm vui. Động tác nổi bật nhất của điệu múa là khi hai "đĩ" tựa lưng vào nhau, lả lướt đầy vẻ hạnh phúc làm mê đắm người xem.

Khi nói về đóng góp của ông Hồng trong việc khôi phục và bảo tồn điệu múa cổ của làng, nhiều người khẳng định ông là người góp phần làm sống lại điệu múa quê hương, đồng thời là người am hiểu nhiều nhất, múa đẹp nhất làng. Một mình đứng ra lập đội múa bồng, gần 40 năm qua, ông làm thầy mà không có lương, mang hết tâm huyết của mình truyền đạt lại cho con em trong làng với 8 khóa học, 30 học viên.

Đã ở tuổi "cổ lai hy" chân chậm, mắt mờ nhưng ông Hồng vẫn canh cánh trong lòng một niềm trăn trở làm sao tìm người kế tục xứng đáng. Hằng ngày, người thầy 70 tuổi ấy vẫn chăm chỉ ra đình dạy các thế hệ học trò trong làng, uốn nắn cho các em từng động tác một. Ông Hồng chia sẻ: "Thanh niên làng Triều Khúc tham gia múa bồng không ít, nhưng không phải ai cũng một lòng thủy chung với điệu múa. Để điệu múa cổ trường tồn, tôi nguyện đem hết tâm huyết, kinh nghiệm truyền đạt lại cho các em".

Điệu múa bồng đã và đang trở thành nét đẹp văn hóa độc đáo, niềm tự hào của người dân Triều Khúc. Mỗi khi làng mở hội thì điệu múa là lễ nghi dâng lên Thành hoàng làng, tổ tiên với hy vọng một cuộc sống bình an, ấm no cho nhân dân. Điệu múa bồng còn đến hôm nay, có những đóng góp quan trọng của ông Triệu Đình Hồng - người được ví như viên than âm ỉ cháy nuôi giữ điệu múa. Người luôn âm thầm lặng lẽ đem tài năng và tâm huyết cống hiến cho quê hương mà không màng danh lợi để điệu múa "con đĩ đánh bồng" trở thành niềm tự hào của Triều Khúc đất Thăng Long.

Huy Hà