Nỗ lực từ những việc làm cụ thể

Xã hội - Ngày đăng : 06:10, 02/08/2010

(HNM) - Ngay sau khi Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh Di sản văn hóa thế giới, phóng viên Hànộimới đã có cuộc phỏng vấn nhanh một số nhà quản lý, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa và người dân...


Cổng Hậu Lâu, số 9 đường Hoàng Diệu thuộc Khu di tích Hoàng thành Thăng Long.


GS. Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam: Đó là kết quả xứng đáng sau một chặng dài nỗ lực


Ít ai có thể hình dung quá trình lập hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới chỉ được thực hiện trong vòng 1 tháng. Điều này thể hiện rất rõ quyết tâm và nỗ lực của từng người nhận trách nhiệm tham gia lập hồ sơ. Tuy nhiên, để có bộ hồ sơ được các thành viên của UNESCO đánh giá cao như thế, các nhà khoa học đã dành 4 năm với tất cả tâm huyết và kiến thức để nghiên cứu những hiện vật đã phát lộ.

Nhận thấy giá trị độc đáo của Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, UNESCO cũng đã cử chuyên gia người Nhật Bản, Italia, Pháp… cùng các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu một cách toàn vẹn giá trị của khu di tích. Và, khi đã bổ sung những chi tiết cần thiết vào hồ sơ, UBND TP Hà Nội đã gửi bộ hồ sơ ứng cử Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long là Di sản thế giới tới UNESCO. Thế nhưng, tại vòng xét duyệt thứ 2, hồ sơ đề cử Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long của Việt Nam đã bị ICOMOS (tổ chức chuyên môn độc lập xem xét các hồ sơ ứng cử di sản văn hóa của UNESCO) đề nghị hoãn việc xem xét công nhận trong năm nay. ICOMOS không phủ nhận những giá trị của Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, song cũng không hoàn toàn thuận tình để khu di tích này trở thành Di sản văn hóa thế giới vì một số lý do như: Quy mô khu di tích quá hẹp, việc nghiên cứu và khai quật chưa sâu, việc quản lý và bảo tồn chưa bảo đảm...

Trước nhận định đó, các nhà quản lý và khoa học của Việt Nam có mặt tại Brasilia (Thủ đô Brazil) tham gia kỳ họp lần thứ 34 của Ủy ban Di sản thế giới đã đưa ra những lập luận xác đáng và những cam kết chắc chắn, khẳng định lại giá trị cũng như những chính sách hợp lý để bảo tồn và phát huy giá trị của khu di tích. Và giờ đây, như mọi người đã biết, nỗ lực của chúng ta đã có được kết quả đáng tự hào.

GS. TS Lưu Trần Tiêu - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam: Người dân là chủ thể của di sản

Là một trong những người tham gia lập hồ sơ đưa Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long "đi thi", nhận được tin "đỗ" rồi mà tôi vẫn chưa hết hồi hộp. Thành quả này không chỉ có sự góp công của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu mà còn là sự tích lũy trí tuệ, công sức của nhân dân Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử. Vì vậy, tôi xin nhấn mạnh rằng, chính người dân mới là chủ thể đích thực, lâu dài, đồng thời là đối tượng tham gia trực tiếp bảo vệ di sản. Do đó, hơn lúc nào hết, tôi mong muốn mỗi người dân Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung hãy phát huy vai trò chủ thể của mình, cùng các cơ quan hữu quan bảo vệ và phát huy giá trị của Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long một cách bền vững nhất.

PGS. TS Đặng Văn Bài - nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa: "Phanh" ngay những hành vi xâm hại di sản

Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long trở thành Di sản thế giới không chỉ làm cho hình ảnh Thủ đô đẹp hơn, ấn tượng hơn trong mắt bạn bè quốc tế, mà còn là "chiếc phanh" đối với những hành vi xâm hại di tích. Bởi, khi di tích đã được thế giới công nhận và tôn vinh thì việc lập quy hoạch tổng thể sẽ được tiến hành nhanh hơn. Khi đã có quy hoạch rồi, các tổ chức, cá nhân có bất kỳ hành động nào, dù là nhỏ nhất, có thể gây tác động tới di sản cũng phải chùn tay. Hơn thế, khi đã có quy hoạch thì việc huy động nguồn lực trong nước, quốc tế để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản cũng dễ dàng hơn.

TS. Nguyễn Thế Hùng - Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa: Bảo tồn di sản phải có thời gian

Tôi xin nhấn mạnh rằng, việc bảo tồn di sản Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long cần một quá trình lâu dài vì di sản đang tồn tại trong môi trường vô cùng khắc nghiệt. Ta không thể chủ quan được, nước có thể ngấm từ dưới lên, từ trên xuống, chảy ngang vào, cộng với môi trường có độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi để nấm, mốc, mối, mọt tấn công di tích. Đối phó với các yếu tố khách quan này cần phải có các thiết bị chuyên dùng để theo dõi, giám sát từng biến động nhỏ nhất của di sản, mà thiết bị chuyên dùng của ta hiện chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu, trong khi đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn vừa thiếu, vừa yếu. Do đó, theo tôi, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của Trung tâm Hoàng thành Thăng Long cần sự hợp tác của nhiều ngành, nhiều phía, trong đó có cả người dân.

Ông Phan Duy Thắng - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội: Sự toàn vẹn của di sản là quan trọng nhất

Tôi và tập thể cán bộ, nhân viên của Trung tâm rất phấn khởi khi nghe tin Trung tâm Hoàng thành Thăng Long trở thành Di sản thế giới. Là đơn vị trực tiếp quản lý, bảo tồn di tích có một không hai này, chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để giá trị của di sản ngày càng được phát huy tốt hơn. Trước mắt, chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành chức năng trưng bày toàn bộ hiện vật khảo cổ học được khai quật tại Hoàng thành vào dịp Đại lễ nhằm giới thiệu với công chúng một cách tổng quan về khu di tích. Tiếp đó, chúng tôi sẽ in các tờ rơi, tờ gấp và các ấn phẩm giới thiệu kỹ về giá trị, ý nghĩa của khu di tích để tuyên truyền, quảng bá. Tôi cho rằng, vấn đề quan trọng nhất lúc này là bảo đảm sự toàn vẹn cho khu di tích, có như vậy thì những cam kết của chúng ta với UNESCO về công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản sẽ được thực hiện tốt hơn.

Chị Nguyễn Thị Hoài - người dân phố Điện Biên Phủ (Hà Nội):Chung tay bảo vệ di sản

Sáng 1-8, tôi được biết di tích gần nơi chúng tôi ở được thế giới tôn vinh. Tôi rất tự hào và cũng nhận thức một cách sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình. Cư dân Thủ đô không nên có những việc làm gây ảnh hưởng tới cảnh quan, không gian của di tích. Mọi người hãy chung tay bảo vệ di sản, bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhưng nhiều ý nghĩa, như không vứt rác ra đường, không vẽ, viết lên tường, không biến vỉa hè thành nơi kinh doanh... Nhiều việc nhỏ góp lại mới có thành công lớn.

Anh Võ Đức Thắng - phường Gò Dầu, quận Tân Phú (TP Hồ Chí Minh): Ấn tượng bởi giá trị của di tích

Tôi đến tham quan Khu di tích Thành cổ Hà Nội, một bộ phận của Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long vào đúng ngày khu di tích trở thành Di sản thế giới. Trước khi đến đây, tôi đã tìm hiểu tương đối kỹ về ý nghĩa, giá trị lịch sử, văn hóa của di tích nhưng rõ ràng được nhìn và cảm nhận một cách trực quan vẫn thú vị hơn nhiều. Tôi sẽ đem những gì mắt thấy, tai nghe về kể cho bạn bè, đồng nghiệp. Nếu có thể, tôi sẽ đưa gia đình mình đi du lịch Thủ đô vào dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Ủy ban Di sản thế giới khuyến nghị:
a. Tiếp tục mở rộng diện tích khai quật khảo cổ học, nhất là tại Khu Thành cổ Hà Nội, tăng cường nghiên cứu làm sáng rõ giá trị các di tích kiến trúc trước thời Nguyễn trên trục trung tâm của Cấm thành Thăng Long.
b. Thường xuyên quản lý vùng đệm và vùng chuyển tiếp, bảo đảm sự an toàn và cảnh quan hài hòa với di sản, tiến tới mở rộng vùng đệm, vùng chuyển tiếp ở phía Bắc, Đông và Nam khu di sản.
c. Hoàn chỉnh và phê duyệt kế hoạch quản lý cùng các chương trình cụ thể liên quan đến quản lý và thực hiện kế hoạch quản lý song song với tất cả các chương trình nhỏ nằm trong kế hoạch đó.
d. Bổ sung chương trình giám sát chi tiết vào kế hoạch quản lý, phù hợp với định hướng chung đề ra trong hồ sơ đề cử.
e. Có kế hoạch đào tạo và nâng cao trình độ chuyên môn của những người tham gia công tác bảo tồn di sản.
f. Có kế hoạch giám sát số lượng khách du lịch có khả năng tăng rất nhanh trong thời gian tới.

Minh Ngọc