Minh sư
Giải trí - Ngày đăng : 07:43, 01/08/2010
Đấy là trong giới sử. Còn trong văn chương, Thái Bá Lợi, trong cuốn sách mới ra của mình, cho biết về một Nguyễn Hoàng - người mở cõi, lý giải những góc còn khuất, đối chiếu nó vào thời cuộc hiện đại… Đấy là một công việc không đơn giản. Nhà văn biết tự lượng sức, đưa ra những vấn đề vừa phải để "mở" ra rồi "gói" lại được. Không gọi đây là tiểu thuyết, Thái Bá Lợi cũng tránh được những "phiền toái" từ yêu cầu thể loại, để có thể khá thoải mái cho ngòi bút chạy theo những điều mình biết và nghĩ.
"Chuyện" bắt đầu từ năm 1558, trước nguy cơ bị anh rể Trịnh Kiểm giết cả gia tộc, Nguyễn Hoàng xin vua Lê Anh Tông được "đi đầy", vào Thuận Hóa trấn thủ. Quyền bính át vua, họ Trịnh mềm lòng đồng ý, để xổng chúa sơn lâm về rừng. Một sự nghiệp mới đầy gian lao, bi, hùng, bạo liệt bắt đầu. Cục diện dân tộc thay đổi theo vận mệnh một con người, dòng họ, mở đầu cho triều đại 9 chúa 13 vua của nhà Nguyễn. Nguyễn Hoàng, với cái nhìn của một nhà chiến lược, đã khai phá, bình yên vùng đất Thuận Hóa - Quảng Nam hoang dã, nghèo kiệt, phủ dụ tộc Chăm, phá tan dư đảng nhà Mạc, bắt đầu dựng nên thế phân tranh với họ Trịnh. Thái Bá Lợi mô tả con người này không chỉ là nhà chính trị kinh bang tế thế, mà còn thấu hiểu nhân tình, xử hợp thế thái. Ông là minh sư - người thầy sáng cả - của người khác, đồng thời lại học được của xung quanh bao điều vừa giản dị vừa cao xa. Chưa tập quyền để quan liêu hóa như cháu chắt sau này, còn bản năng sinh tồn rất mạnh, ông gần dân, phần nào hiểu được tầng tầng lớp lớp những u ẩn về xuất xứ, cảnh huống, quan niệm đạo đức, văn hóa của họ.
Xung quanh Nguyễn Hoàng có những nhân vật hư cấu, vừa tham gia vào sự kiện, vừa tham chiếu con người ông. Thành, nhà nghiên cứu lịch sử thời nay, thay tác giả nói được nhiều điều. Nguyễn Thiệu, người con lai vừa phụng sự ngôi chúa người Việt, vừa tìm về nguồn cội Chăm bên mẹ. Đỗ Chiêu, như một vị tướng tình báo, tay thao lược, con dao pha của chúa, về già lại ở ẩn. Và hai con người có số phận đầy trắc trở: mẹ Nguyễn Thiệu thời xưa và chị Tư Trà thời nay; dường như để "gánh" cái triết lý phụ nữ là những người thiệt thòi nhất trong mọi biến chuyển. Những nhân vật "âm" ấy phần nào lý giải cho hiện tượng các chúa Nguyễn - khó có thể coi là "trung quân" với nhà Lê, một mặt dùng đạo Nho trị thiên hạ, một mặt xây chùa thờ Phật để an dân. Dựng nên họ nhưng không "đẩy" tới cùng, thậm chí bỏ lửng, là một phong cách "tưng tửng" của nhà văn gốc Nghệ đang sống ở Đà Nẵng. Chính cái "viền ngoài" có thân phận này mới tạo ra sức ám ảnh cho cuốn sách.
Thái Bá Lợi từng đoạt vài giải thưởng văn học danh giá, rồi lại "mắc" trầm luân, phải vất vả. Nhưng đây dường như lại là cơ duyên để ông vương vào quá khứ, đạo Phật, những vấn đề của văn hóa, nguồn cội. "Minh sư" cho thấy nhà văn luôn sống, tìm tòi, tìm ra tư tưởng sau những điều mình thấy và đọc được.
Mừng cho ông, nhưng vẫn cứ thấy tiêng tiếc vì dư vị "gợi mở"…