“Nghèo” vì thiếu năng động
Văn hóa - Ngày đăng : 07:37, 01/08/2010
Rất nhiều đơn vị nghệ thuật quốc doanh của các Bộ: VH-TT&DL, Công an, Quốc phòng tá túc tại Hà Nội. Trong lĩnh vực điện ảnh có hai hãng phim truyện, 1 hãng phim hoạt hình và một hãng phim tài liệu. Ngoài ra còn phải kể đến điện ảnh quân đội và các cơ sở làm phim do các ngành quản lý. Sân khấu lại càng nhiều hơn với 8 nhà hát bao gồm: kịch nói, cải lương, tuồng, chèo, xiếc. Về ca múa nhạc cũng có 4 nhà hát. Ngoài ra còn có các đơn vị sân khấu, ca múa nhạc do Sở VH-TT&DL Hà Nội quản lý. Biên chế ở các nhà hát còn có rất nhiều nghệ sỹ tài năng trong các lĩnh vực. Đó là cơ sở vô cùng thuận lợi cho nhà hát khi xây dựng chương trình.
Nhiều đơn vị nghệ thuật cũng có nghĩa là Hà Nội có rất nhiều rạp, theo thống kê, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số rạp chiếu phim và rạp hát. Chưa kể các cung văn hóa, nhà văn hóa với quy mô vài trăm chỗ ngồi được trang bị hệ thống ánh sáng và âm thanh khá hiện đại. Thế nhưng đời sống tinh thần của người Hà Nội vẫn nghèo nàn và không ít người trông chờ vào các chương trình nghệ thuật trên truyền hình?
Theo nhiều nhà hoạt động trong lĩnh vực này, hầu hết các đơn vị nghệ thuật hiện nay trông vào Nhà nước bao cấp. Nhà nước cấp tiền thì làm chương trình, không cấp tiền thì họ ngồi chơi và cho diễn viên đi đóng phim truyền hình hay tham gia sô diễn của các bầu tư nhân. Điều đáng nói là ngay cả những chương trình được bao cấp cũng không có gì mới mẻ và sáng tạo. Không ít vở diễn sân khấu khô cứng về nội dung, không phản ánh được các vấn đề nóng hổi của cuộc sống nhiều biến động hôm nay, về hình thức thì đơn điệu. Trang trí mỹ thuật quanh đi quẩn lại vẫn chỉ vài ba bục bệ làm cảnh, ánh sáng cũng chỉ vài chiếc đèn màu. Với ca múa nhạc cũng chẳng hơn bao nhiêu, cũ kỹ về phong cách dàn dựng và biểu diễn...
Trước xu thế phát triển, Bộ VH-TT&DL chủ trương cổ phần hóa một số đơn vị sân khấu, song những người quản lý nhà hát đưa ra các lý do: "Chúng tôi làm tuyên truyền sao lại cổ phần và rằng cổ phần hóa buộc các đơn vị phải thương mại hóa nghệ thuật như thế nhà hát làm sao gìn giữ được bản sắc văn hóa Việt Nam...?".
Nghệ sỹ Chí Trung là người đau đáu với sân khấu Thủ đô và anh đã tổ chức sàn diễn mới tại Câu lạc bộ Thanh niên (hồ Thuyền Quang) để diễn các vở mà theo anh mang các giá trị thẩm mỹ mới. Tuy nhiên, sau gần 1 năm vẫn chưa biến nơi này thành điểm sinh hoạt văn hóa của giới trẻ. Nhưng nghệ sỹ này tin việc mình làm sẽ thành công.