Tham bát, bỏ mâm
Kinh tế - Ngày đăng : 07:13, 01/08/2010
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều sản phẩm, "thượng vàng" từ máy tính, điện thoại đến "hạ cám" như quần áo, giày dép… được thuê làm ở nước ngoài.
"Thượng vàng"
Cách đây chưa lâu, Công ty Sản phẩm công nghệ FPT đã công bố điện thoại di động FPT F99. Theo FPT, trên nền tảng sản phẩm phần mềm đã có và đã tạo ra hình hài sơ bộ của chiếc điện thoại, công ty sang Trung Quốc tìm nhà sản xuất linh kiện, lựa chọn hợp tác để sản xuất phần cứng. Hệ điều hành do… hợp tác với Công ty MTK (Đài Loan - Trung Quốc).
Theo tính toán của FPT, nếu bắt tay vào đầu tư nhà máy sản xuất điện thoại ở Việt Nam thì chi phí giá thành rất lớn vì phải khấu hao chi phí đầu tư, chi phí đào tạo nguồn nhân lực… nên chọn sản xuất tại Trung Quốc. Có điều, những gì là "dấu ấn FPT" chỉ là chat, email và kho ứng dụng dựa trên những phần mềm do FPT làm ra.
Trước đó, hàng loạt điện thoại di động được tuyên bố thương hiệu Việt, Q-Mobile là một ví dụ. Cũng chỉ có điều, các sản phẩm này đều được sản xuất tại Trung Quốc. Doanh nghiệp trong nước chỉ tham gia công việc rất đơn giản là nghĩ ra một cái tên và gắn cái nhãn vào.
Kiểu thuê ngoại kỳ lạ này cách đây mấy năm được triển khai rất rầm rộ với sản phẩm máy tính. Cụ thể, thương hiệu máy tính CMS cho ra lò hàng loạt tên tuổi. Tất nhiên, sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc. Mức độ tham gia vào quá trình sản xuất của doanh nghiệp rất ít ỏi. Thế mà công bố trong họp báo, "chủ thương hiệu" vẫn hùng hồn tuyên bố "máy tính thương hiệu Việt".
Thuê ngoại kiểu này không khác mấy nhập khẩu về, phân phối trên thị trường nội địa.
"Hạ cám"
Hình thức thuê ngoại kỳ lạ trên vẫn chưa có gì đáng nói. Gần đây, nhiều doanh nghiệp trong nước còn đặt gia công ở nước ngoài để có hàng giá rẻ, mẫu mã đa dạng và tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu đối với ngay cả những sản phẩm thông thường, không đòi hỏi công nghệ cao như may mặc, da giày, văn phòng phẩm... Hàng loạt thương hiệu may mặc, giày dép tên Việt như giày dép Hồng Phát, Phương Quân, thời trang Dung, Tô Kim Hải… đều có xuất xứ Trung Quốc. "Chủ thương hiệu" chỉ đặt sản xuất từ ngoài về rồi gắn nhãn mác vào. Nhập khẩu về, doanh nghiệp trong nước đầu tư… cái tên và bán với giá cao.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp sản xuất đồ dùng, thiết bị văn phòng phẩm cũng "chọn" hình thức này. Chẳng hạn, dù là một doanh nghiệp lớn nhưng công ty văn phòng phẩm Hồng Hà vẫn nhập cả nguyên liệu lẫn… sản phẩm về kinh doanh do có giá cạnh tranh hơn, mẫu mã phong phú, đa dạng.
Hiểu sai hay hám lợi, lười biếng?
Các doanh nghiệp trong nước đang hiểu sai khái niệm outsourcing hay chỉ vì hám lợi trước mắt, lười biếng đầu tư, xây dựng chiến lược lâu dài?
Thông thường, khi đã phát triển đến một trình độ nhất định, doanh nghiệp từ bỏ những khâu sản xuất có giá trị gia tăng thấp và đặt doanh nghiệp từ nơi khác gia công nhưng luôn duy trì những khâu sản xuất có giá trị gia tăng lớn, hàm lượng chất xám cao. Tuy nhiên, outsourcing cũng như con dao hai lưỡi. Doanh nghiệp đủ tiềm lực, có hệ thống phân phối lớn, có đội ngũ quản lý chuyên nghiệp… thì hình thức thuê làm bên ngoài mới mang lại lợi nhuận. Ngược lại, doanh nghiệp rất dễ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín. Mặt khác, việc sử dụng dịch vụ làm bên ngoài quá nhiều còn khiến cơ hội công ăn việc làm của người lao động bị ảnh hưởng…
Cách đây chưa lâu, Việt Nam được đánh giá là sẽ nhanh chóng trở thành thị trường outsourcing lớn của châu Á. Chẳng hạn, chỉ riêng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, với khoảng 100.000 sinh viên tốt nghiệp, được bổ sung thêm 9.000 kỹ sư mỗi năm, nước ta sẽ nhanh chóng vượt qua cả… Ấn Độ, Trung Quốc trong cung cấp nhân lực công nghệ thông tin cho các nhà sản xuất nước ngoài. Rộng hơn, với nguồn nhân lực trẻ, chi phí thấp, Việt Nam còn được đánh giá là "hội đủ các điều kiện để sớm trở thành trung tâm outsourcing hàng đầu". Xu hướng này chưa thấy xuất hiện ở Việt Nam thì xu thế doanh nghiệp trong nước thuê outsourcing từ nước ngoài, đặc biệt là ở Trung Quốc, Lào, Campuchia… đã nở rộ.
Cơ hội tìm kiếm việc làm của hàng trăm nghìn lao động phổ thông đang bị bỏ lỡ bởi sự tham lợi trước mắt của doanh nghiệp. Vốn đầu tư thay vì được doanh nghiệp đưa vào sản xuất, nghiên cứu - phát triển… lại được đem nhập khẩu nhằm tìm lợi ích ngắn hạn. Gánh nặng nhập siêu vì thế mà ngày càng… nặng.