Luôn là người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng

Chính trị - Ngày đăng : 06:49, 01/08/2010

(HNM) - Là lĩnh vực có lịch sử ra đời sớm trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, 80 năm qua đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo cả nước không ngừng phấn đấu, năng động, sáng tạo, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tạo động lực thúc đẩy thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ cách mạng.


Ngày quốc tế đỏ 1-8
Cách đây vừa tròn 80 năm, vào ngày 1-8-1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho xuất bản tài liệu "Ngày quốc tế đỏ 1-8" nhân dịp kỷ niệm Ngày quốc tế đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ hòa bình. Ngay từ khi phát hành, tài liệu này đã tạo được dấu ấn đậm nét trong dư luận xã hội, có sức cổ vũ to lớn động viên quần chúng giai cấp công - nông nước ta đứng lên đấu tranh, chống chiến tranh đế quốc và ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc. Đây là mốc son lịch sử ghi dấu sự ra đời ngành Tuyên giáo - lĩnh vực có lịch sử ra đời sớm nhất trong hoạt động lãnh đạo của Đảng.

Trong mỗi thời kỳ và qua từng giai đoạn, các thế hệ tuyên giáo với sự năng động, sáng tạo đã đưa đường lối của Đảng đến với quần chúng nhân dân, động viên, tổ chức nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, góp phần bồi đắp nền tảng chính trị. Khi Tổ quốc bị chia cắt đã có rất nhiều người trong ngành Tuyên giáo, không kể đó là phóng viên, bác sĩ, nhà văn, nhà giáo, nhà khoa học đã xung phong vào tuyến lửa vừa cầm súng, vừa làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, những người làm tuyên giáo lại tập trung tuyên truyền, giáo dục, động viên nhân dân phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống yêu nước trong chiến tranh thành sức mạnh mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đáng chú ý, khi Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới toàn diện của đất nước, công tác tuyên giáo đã góp phần quan trọng đưa đường lối đổi mới nhanh chóng đi vào cuộc sống, mở rộng dân chủ, khơi dậy sáng tạo của các tầng lớp nhân dân tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc. Ngành Tuyên giáo đã tham mưu cho Đảng nhiều luận điểm mới về văn hóa, giáo dục, khoa học, chăm sóc sức khỏe nhân dân... góp phần củng cố, phát triển đường lối đổi mới. Trong đó lý luận xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhấn mạnh văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là một trong những yếu tố quyết định cho sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước. Đánh giá về những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử sau 25 năm đổi mới, có thể khẳng định, đó là công lao của toàn Đảng, toàn quân và nhân dân ta, trong đó công tác tuyên giáo giữ vai trò quan trọng, góp phần quyết định sự phát triển mạnh mẽ của công cuộc đổi mới.

Người cán bộ tuyên giáo hiện đại và hành động
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều sự quan tâm đối với công tác tuyên giáo của Đảng. Bác từng nói: "Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó là tuyên truyền thất bại". Thực hiện lời dặn của Người, tiếp nối truyền thống vẻ vang 80 năm của ngành, những cán bộ làm tuyên giáo hiện nay luôn đau đáu câu hỏi "Làm thế nào để nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân làm theo?". Tại hội thảo "80 năm công tác tuyên giáo của Đảng - kinh nghiệm và đổi mới" vừa được Ban Tuyên giáo TƯ tổ chức, đã có nhiều ý kiến đề xuất giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên giáo hiện nay.

Các ý kiến đều thống nhất, trong những năm tới, nhiệm vụ của công tác tư tưởng sẽ khó khăn và nặng nề gấp bội, do vậy mỗi cán bộ tuyên giáo phải phấn đấu liên tục; công tác tuyên giáo phải đổi mới mạnh mẽ hơn cả về nội dung, phương pháp và phương thức. GS-TS Phùng Hữu Phú, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TƯ cho rằng, muốn hoàn thành nhiệm vụ, ngoài sự vững vàng, kiên định, người làm công tác tuyên giáo phải nhanh nhạy nắm bắt các nguồn tin, cung cấp kịp thời thông tin định hướng tới công chúng, đáp ứng được những đòi hỏi từ thực tiễn. Công tác tư tưởng nhất thiết phải gắn bó chặt chẽ với hiện thực đời sống và cán bộ tư tưởng phải trực tiếp tham gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết những vấn đề đang bức xúc. Kinh tế tăng trưởng, nhà ở cho công nhân được xây dựng, thực phẩm được an toàn..., những cái đó có tác dụng làm công tác tư tưởng nhiều hơn. Chính vì vậy, người làm công tác tư tưởng phải tham gia trực tiếp vào thực tiễn, biến tư tưởng thành một mắt xích, một khâu quan trọng trong cả quy trình vận động kinh tế - xã hội của đất nước.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư tưởng trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh tăng cường sự lãnh đạo của Đảng cần làm tốt công tác dự báo tình hình, xu hướng tư tưởng và công tác này phải đi trước một bước. Đồng thời đổi mới phương pháp công tác tư tưởng ngang tầm với đòi hỏi của thực tiễn, với trình độ dân trí và từng đối tượng. Và theo nhà báo Hữu Thọ, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa TƯ, tinh thần chiến đấu và khả năng thuyết phục vẫn là yêu cầu nhất quán trong công tác tư tưởng.

Kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống của ngành, đội ngũ công tác tuyên giáo hôm nay luôn cố gắng phấn đấu để xứng đáng là người lính xung kích trên mặt trận tư tưởng.

Đà Đông