Muốn “giữ chân” vốn ngoại ?
Tài chính - Ngày đăng : 08:15, 31/07/2010
Hướng dẫn nhà đầu tư đặt lệnh mua, bán cổ phiếu tại Công ty Chứng khoán Dầu khí. Ảnh: Nguyệt Ánh
Tròn 10 năm kể từ ngày ra đời, sức lớn của TTCK ở nước ta đã vượt kỳ vọng không chỉ của cơ quan quản lý mà cả giới đầu tư. Từ 2 doanh nghiệp (DN) niêm yết, đến nay đã có hơn 500 DN trên cả hai sàn. TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế và vốn huy động trên TTCK luôn ở mức khá cao. Riêng 6 tháng đầu năm 2010, mức huy động đạt 40.000 tỷ đồng, gấp đôi mức bình quân của năm 2009... Theo ông Vũ Bằng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UB CKNN), những năm đầu mới hoạt động, danh mục đầu tư nước ngoài trên TTCK còn chưa nhiều, đến nay danh mục này đã rất phong phú. Dòng vốn đầu tư ngắn hạn qua TTCK năm 2007 có lúc lên tới gần 12 tỷ USD. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, khó tránh khỏi sự ra đi của một số dòng vốn… Hiện nay, giá trị danh mục chứng khoán mà nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ đạt hơn 6 tỷ USD.
Trước sự lo lắng của giới đầu tư khi nghe thông tin có thể quỹ này, quỹ kia thoái vốn, đại diện một số công ty chứng khoán cho rằng, nhà đầu tư không nên quá lo lắng trước khả năng một quỹ đầu tư lớn có thể thoái vốn khỏi thị trường Việt Nam, vì khi một quỹ đóng cửa cũng không có nghĩa là công ty quản lý quỹ đó sẽ rời Việt Nam, bởi họ còn quản lý nhiều quỹ khác. Tổng số tiền các quỹ nước ngoài đã đổ vào nước ta tính theo tổng giá trị tài sản ròng hiện nay khoảng 4,3 tỷ USD. Theo phân tích của các chuyên gia, đây là số tiền lớn và nếu rút lui, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế, đặc biệt là đến tỷ giá, cán cân thanh toán, thị trường tài chính. Vậy, làm gì để "giữ chân" vốn ngoại? Cơ sở để các nhà quản lý trong nước còn lạc quan là tiềm năng của TTCK trong tương lai rất lớn. Bởi, sẽ còn nhiều công ty lớn tiếp tục cổ phần hóa nên về dài hạn, TTCK sẽ tiếp tục hấp dẫn giới đầu tư nước ngoài. Do đó, điều cần làm lúc này là phải xử lý có hiệu quả các vấn đề, như ảnh hưởng của khủng hoảng, nhập siêu, chính sách tiền tệ, lạm phát… Thời gian tới, UB CKNN sẽ mở rộng thêm một số loại quỹ như quỹ bất động sản, dự phòng các giải pháp rủi ro... để hấp dẫn vốn ngoại.
Để "giữ chân" và hút thêm vốn ngoại, nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài việc tạo ra hàng hóa tốt (cổ phiếu của DN làm ăn hiệu quả, quản trị tốt…), cần xem xét các nhân tố đang cản trở sự tham gia của các nhà đầu tư ngoại, như khống chế trần hạn mức 49%, các hạn mức về biên độ giao dịch tại 2 sàn giao dịch chứng khoán (5% và 7%)… Đồng thời, UB CKNN cần có chính sách khuyến khích các quỹ đầu tư dài hạn, phát triển các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, có tiềm lực tài chính vững chắc, có năng lực quản trị rủi ro và đạo đức nghề nghiệp cao. Muốn đạt mục tiêu này, TTCK nước ta phải phát triển đến một quy mô lớn hơn, chuyên nghiệp và minh bạch hơn.