“Ở mặt đất, sống lưng trời”

Chính trị - Ngày đăng : 07:44, 31/07/2010

(HNM) - Trong chuyến công tác lên Trung đoàn Phòng không C31 (Quân chủng PK-KQ), chúng tôi được gặp Chủ nhiệm bay Trung đoàn Đinh Công Bằng,


Gặp Đinh Công Bằng, không ai nghĩ anh đã bước sang tuổi 50. Xuất thân từ nông thôn, là người dân tộc Mường nên dù chỉ là trong suy nghĩ anh cũng không mơ đến một ngày nào đó mình sẽ là phi công chiếm lĩnh bầu trời. Thế nhưng nghiệp bay lại vận vào anh một cách rất tình cờ. Năm 1977, khi đang học cấp 3 ở trường nội trú xa nhà thì có đoàn khám tuyển phi công vào trường tuyển học viên. Bất ngờ anh vượt qua cả 7 vòng giám định sơ tuyển và được nhận về đội dự bị bay của Quân chủng PK-KQ. Từ đó, anh được đưa đi đào tạo huấn luyện ở nhiều nơi trong nước và Liên Xô (cũ). Cuối năm 1980, anh vào học Trường Không quân Nha Trang. Năm 1984 ra trường, anh công tác ở Đà Nẵng và đến năm 1989 thì chuyển về công tác ở Trung đoàn C31.

Đinh Công Bằng cho biết, ngoài những kiến thức cơ bản được học trong sách vở, học viên phải trải qua quá trình huấn luyện với hàng loạt khoa mục phức tạp, gian khó như không vực, biên đội, đường dài, công kích, xuyên mây… Khi đã hoàn thành tốt những khoa mục này, học viên đủ điều kiện tốt nghiệp, trở thành sĩ quan phi công và được đưa về các đơn vị chiến đấu. Công tác đào tạo phi công theo mô hình chóp ngược. Từ hàng chục thanh niên ưu tú, trải qua quá trình huấn luyện, đào thải dần dần chỉ còn trụ lại một vài người.

Nhớ lại những lần đầu tiên bay, "Lão tướng" không khỏi bồi hồi: "Lần đầu tiên được tiếp xúc với công nghệ hiện đại tôi thực sự ngỡ ngàng. Cũng là lần đầu tiên làm chủ bầu trời, bay đến đâu biết đến đó, tôi không hình dung được không gian địa lý nơi mình qua. Nếu như dưới mặt đất mình nắm chắc 10 phần thì trên không chỉ còn lại 3. Cảm giác hồi hộp, lo lắng suốt từ lúc bay cho đến khi hạ cánh".

31 năm trong nghề bay, Đinh Công Bằng đã có khoảng 1.000 giờ bay bằng máy bay phản lực chiến đấu. Một con số không hề nhỏ. "Nhưng trước khi thực hiện bất cứ một chuyến bay nào, tôi vẫn còn nguyên tâm trạng hồi hộp" - anh tâm sự.

Khi nắp buồng lái đã khóa kín, người phi công như quên hết mọi chuyện để tập trung tất cả tinh lực vào cần lái. Chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản quốc gia. Và nghề bay là nghề của những người dũng cảm.

Trung đoàn trưởng Trung đoàn C31 Tạ Quang Thảo cho biết, "Chủ nhiệm Đinh Công Bằng là "lão tướng" trong nghề bay. Chỉ riêng kinh nghiệm của cá nhân anh sau 31 năm ăn cơm mặt đất, làm việc trên trời cũng đủ để anh em chúng tôi tham khảo, truyền dạy nhau trong suốt quá trình công tác. Anh chính là pho kinh nghiệm sống cho những phi công quân sự học tập và noi theo".

Thu Thủy