Đua tranh quyết liệt
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 07:00, 30/07/2010
Đây là một bước đi đầy tham vọng trong chính sách đối ngoại thực dụng của người đứng đầu Chính phủ Anh nhằm tăng cường quan hệ với các cường quốc mới nổi, qua đó nắm lấy cơ hội hợp tác nhờ sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của Ấn Độ để đem lại sức sống mới cho nền kinh tế Anh đang gặp khó khăn sau cơn bão khủng hoảng.
Về cơ bản, Luân Đôn hoàn toàn có thể đạt được tham vọng này một cách dễ dàng nhờ mối quan hệ lịch sử gắn bó 250 năm giữa hai quốc gia. Dù thời gian độc lập tách ra khỏi Anh đã hơn 60 năm, hiện tại, vẫn có hơn 50 triệu người Ấn Độ nói tiếng Anh và hơn 2 triệu người gốc Ấn đang sống ở Anh. Do đó, Thời báo Tài chính của Anh cho rằng, xét trên nhiều phương diện, nền kinh tế lớn thứ ba châu Á này sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Anh hơn là các quốc gia cùng châu lục. Hợp đồng trị giá 500 triệu bảng Anh (khoảng 1,1 tỉ USD) bán cho Ấn Độ 60 máy bay chiến đấu Hawk của tập đoàn quân sự Anh BAE thực sự là bước dạo đầu đáng khích lệ.
Nhưng không thể quên một thực tế rằng, quan hệ Anh - Ấn trong thập kỷ qua không còn nồng ấm. Về kinh tế, tỷ trọng thương mại và đầu tư của Anh với Ấn Độ đang giảm dần. Còn về chính trị, New Dehli vẫn còn chưa nguôi giận khi cựu Ngoại trưởng Anh David Miliband cho rằng Ấn Độ phải chịu trách nhiệm với những vấn đề ở Afghanistan. Do đó, chuyến công cán của ông Cameron chỉ được xem như để "dọn dẹp" những vướng mắc từ quá khứ. Tương lai quan hệ giữa hai nước sẽ phụ thuộc nhiều vào lựa chọn của ông chủ số 10 phố Downing và những ưu tiên chiến lược trong chính sách đối ngoại của New Delhi sắp tới.
Chuyến công du Tiểu lục địa Ấn Độ của ông Cameron diễn ra vào thời điểm cả hai nước đang cố gắng xác định lại vị thế trên bản đồ thế giới. Trong khi Ấn Độ tự ý thức được quốc gia là một thế lực đang lên thì nước Anh lại đang vấp phải không ít trở ngại trong nội bộ do cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Âu. Đây là hai xu thế khác nhau đang trở nên phổ biến trong quá trình toàn cầu hóa. Điều này sẽ tác động lớn tới mối quan hệ giữa hai bên khi vị thế mới được xác lập trong các cuộc đàm phán. Ngoài ra, trong quan hệ với New Delhi, Luân Đôn còn vấp phải sự cạnh tranh lớn từ hai cường quốc Nga và Mỹ.
Với Mỹ, số lượng lớn những người Ấn Độ nhập cư đang nắm giữ không ít vị trí quan trọng trên nhiều lĩnh vực tại Mỹ đã khiến mối liên hệ giữa New Delhi và Washington trở nên gắn bó hơn. Điều này giúp quan hệ giữa giới cầm quyền hai nước có những ràng buộc chặt chẽ hơn so với mối quan hệ Anh - Ấn. Sự ấm nóng đó được thể hiện rõ qua thỏa thuận hạt nhân Mỹ-Ấn, cho phép Ấn Độ - một nước chưa tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) - được phép tái chế nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng của Mỹ cho những mục đích dân sự.
Với Nga, mối quan hệ New Delhi - Mátxcơva hiện đang ở tầm "đối tác chiến lược" đóng vai trò quan trọng trong đường lối đối ngoại của cả hai nước. Hai bên đã duy trì sự hợp tác truyền thống một cách chặt chẽ và có hiệu quả trong các lĩnh vực như năng lượng hạt nhân hòa bình, nghiên cứu vũ trụ, chế tạo hàng không, khoa học và công nghiệp quốc phòng…
Là một trong những nền kinh tế đầu tiên trên thế giới thoát khỏi suy thoái, với tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt từ 8,5% đến 9% trong năm nay và có thể đạt mức hai con số vào năm 2013, sức hấp dẫn khổng lồ của Ấn Độ với các nhà xuất khẩu nước ngoài là nền quốc phòng và cơ sở hạ tầng của nước này đang cần hiện đại hóa. Quốc gia đông dân thứ hai thế giới cũng không che giấu một kế hoạch phát triển đầy tham vọng, tạo ra cơ hội can dự lớn cho mọi cường quốc. Tuy nhiên, nước Anh của Thủ tướng D. Cameron có đủ sức chạy đua trong cuộc cạnh tranh quyết liệt đang diễn ra hay không lại là một câu chuyện khác.