Giải bài toán khoa học về giống

Công nghệ - Ngày đăng : 06:29, 30/07/2010

(HNM) - Theo Bộ NN&PTNT, nước ta hiện chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu giống lúa chất lượng cao, phần còn lại phải nhập khẩu. Điều đó cho thấy công tác chọn - tạo giống lúa vẫn là thách thức đối với các nhà nông học và người nông dân nước ta.


Thách thức lớn


Kiểm tra hạt gạo để đánh giá chất lượng giống lúa mới tại Trung tâm Khảo nghiệm giống sản phẩm cây trồng và phân bón quốc gia (Cục Trồng trọt - Bộ NN&PTNT).
Ảnh: Minh Đông - TTXVN


Việt Nam là nước xuất khẩu lúa gạo đứng thứ hai trên thế giới với khoảng 4-5 triệu tấn/năm và có mức tăng kỷ lục vào năm 2009 (6 triệu tấn). Tuy nhiên, tại hệ thống chợ đầu mối, siêu thị ở Việt Nam, sản phẩm của quốc gia xuất khẩu gạo số 1 thế giới là Thái Lan, vẫn xuất hiện với số lượng lớn. Mặt khác, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam thường thấp hơn so với gạo Thái Lan.

Lý giải tình trạng này, GS-TS Nguyễn Văn Bộ, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Có nhiều nguyên nhân để gạo Việt Nam có giá bán thấp hơn so với gạo Thái Lan, trong đó có nguyên nhân từ việc chọn giống chưa tốt. Mỗi địa phương đều có bộ giống riêng, dẫn đến việc toàn quốc hiện có gần 700 loại giống lúa… Về mặt kỹ thuật, chất lượng hạt giống cũng chưa được quan tâm đầy đủ. Giống lúa chủ yếu là do người dân tích trữ nên sau một vài năm, những loại giống này cũng bị thoái hóa. Tình trạng thiếu giống lúa chất lượng cao vẫn đang là bài toán khó đặt ra đối với ngành nông nghiệp nước ta.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa lớn nhất nước với 1,85 triệu héc ta đất dành để trồng lúa, cung cấp đến 80% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên, theo TS Lưu Hồng Mẫn (Viện phó Viện Lúa ĐBSCL), một điểm yếu trong sản xuất lúa ở khu vực này là thiếu các giống lúa năng suất và chất lượng cao, thích nghi với đặc thù từng vùng sinh thái như: phèn, mặn… ĐBSCL thời gian qua đã đẩy mạnh phát triển nhiều loại giống lúa song vẫn chưa thực sự phát huy hết tiềm năng. Hằng năm, nông dân ở đây gieo trồng hơn 100 loại giống lúa và cần khoảng 400.000 tấn giống, nhưng nguồn giống từ các viện nghiên cứu, trường ĐH, trung tâm sản xuất giống… chỉ đáp ứng được một phần nhỏ. Hệ thống cung cấp giống nhà nước hiện mới chỉ đáp ứng 20% nhu cầu, phần còn lại nông dân phải sử dụng giống kém chất lượng, trôi nổi. Riêng tỉnh Trà Vinh, mỗi năm cần lượng giống phẩm chất tốt vào khoảng 23.000 tấn nhưng thực tế chỉ thỏa mãn được khoảng 26% yêu cầu này.

Không chỉ riêng ở ĐBSCL, hầu hết các vùng sản xuất lúa nước ta đều ở tình trạng khan hiếm giống lúa chất lượng cao. GS-TS Nguyễn Văn Bộ cho biết thêm: Với lúa lai, do điều kiện khí hậu để sản xuất hạt lai, nhất là lúa lai 3 dòng gặp nhiều khó khăn hơn so với Trung Quốc nên giá thành giống nhập từ nước này khá cao. Hiện nay, giống sản xuất trong nước mới chỉ đạt 3.200-3.500 tấn, đáp ứng được khoảng 20-25% nhu cầu về giống lúa lai trong nước.

Xã hội hóa việc sản xuất giống lúa

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), 10 năm trở lại đây, các nhà khoa học đã chọn tạo và tuyển chọn được gần 170 loại giống lúa mới. Đó là thành quả không thể phủ nhận, song công việc này được cho là chưa bền vững và chưa có bước đột phá về năng suất, chất lượng. Điều này đòi hỏi xã hội hóa khâu sản xuất giống lúa và đó là hướng đi tất yếu để tăng năng suất, phẩm chất gạo "Made in Việt Nam".

Ông Vũ Hồng Quảng (Viện Nghiên cứu lúa - ĐH Nông nghiệp Hà Nội) cho rằng, để tháo gỡ bài toán khan hiếm giống cần có sự phối hợp giữa bốn "nhà": Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Nhà khoa học phải thực sự "lội ruộng", tham gia vào quá trình sản xuất giống, tạo ra nhiều giống lúa chất lượng cao. Bên cạnh đó, nhà doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc. Ông Vũ Hồng Quảng ước tính: Nước ta cần có khoảng 16.000ha đất chuyên sản xuất lúa giống và nếu có khoảng 15 doanh nghiệp tham gia vào quá trình này thì sẽ cung ứng đủ giống cho nông dân. Tuy nhiên, công việc này thời gian qua ít được khuyến khích, nên không đạt yêu cầu đặt ra.

GS - Viện sĩ Trần Đình Long, Chủ tịch Hiệp hội giống cây trồng Việt Nam cũng chia sẻ: "Chúng ta cần phải sản xuất giống dự trữ quốc gia, nhất là các giống lúa cực ngắn, chịu hạn và úng lụt tốt. Cùng với đó là việc đa dạng hóa các bộ giống lúa". Để nâng cao chất lượng lúa gạo ở Việt Nam hiện nay, GS - Viện sĩ Trần Đình Long khuyến cáo: Trước khi gieo trồng, các địa phương phải kiểm tra các trà lúa khi phát giống cho bà con. Cùng với đó, cần kết hợp lai tạo và chọn lọc truyền thống để chọn tạo các giống lúa thích nghi với biến đổi khí hậu như: ẩm bất thường, rét đậm, úng hại… hay chống chịu bệnh rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen, bạc lá, đạo ôn…

Gần đây, chương trình phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, vật nuôi, thủy sản đến năm 2020, do Bộ NN&PTNT chủ trì đã khuyến khích các địa phương mở rộng sản xuất giống lúa lai trong nước để chủ động nguồn cung giống cho nông dân, thay thế cho giống nhập khẩu. Trong khi chờ chính sách thực sự đi vào đời sống và phát huy tác dụng, không khó để thấy rằng đất trồng lúa đang suy giảm cả về diện tích, độ phì nhiêu nên việc nghiên cứu giống lúa theo hướng sản xuất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng là thách thức không chỉ đối với những nhà khoa học nghiên cứu về giống lúa trong những năm sắp tới.

Để tăng nguồn kinh phí cho nghiên cứu giống lúa, tránh ỷ lại từ nguồn đầu tư từ ngân sách, Nhà nước nên nghiên cứu việc cho phép trích từ xuất khẩu gạo để bổ sung kinh phí cho nghiên cứu. Nếu trích 1 USD/tấn gạo xuất khẩu thì hằng năm chúng ta đã có thêm từ 4,5-5 triệu USD cho công tác nghiên cứu tạo giống mới.

Nguồn: GS-TS Nguyễn Văn Bộ

Ánh Tuyết (Bộ KHCN)