Cảnh giác với tai nạn điện mùa mưa bão

Đời sống - Ngày đăng : 16:05, 29/07/2010

Mỗi khi có mưa bão, tại một số địa phương đã xảy ra nhiều vụ tai nạn về điện gây chết người. Đơn cử, trận lụt lịch sử tại Hà Nội năm 2008, trong số 17 người thiệt mạng, có tới 4 người chết do điện giật. Ngay trong trận mưa ngập hôm 13/7/2010 tại Thủ đô Hà Nội, cũng có 3 người bị điện giật chết.


Khi mưa bão, cây đổ làm gãy cột điện, phải cắt điện đầu nguồn mới tiến hành chặt cây

Do đó, yêu cầu an toàn điện nói chung và an toàn điện trong mùa mưa bão phải được cộng đồng luôn lưu tâm và tuân thủ nghiêm ngặt. Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Hữu Ngọ, Phó trưởng Ban Kỹ thuật sản xuất – phụ trách an toàn điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Xin ông cho biết về chất lượng của hệ thống điện (đặc biệt là lưới phân phối) hiện nay đã đảm bảo an toàn cho người vận hành và người sử dụng điện cũng như cộng đồng như thế nào?

Việc thiết kế và thi công lắp đặt các công trình điện đều phải đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Trong quá trình vận hành lưới điện, các vị trí có nguy cơ về mất an toàn đều phải khắc phục và xử lý ngay.

Tuy nhiên, việc vi phạm các khoảng cách an toàn đối với lưới điện cao áp như xây dựng lấn chiếm hành lang an toàn lưới điện, các cây cối được trồng trong hoặc gần hành lang an toàn lưới điện, các phương tiện hoạt động gần lưới điện cao áp cũng có thể gây sự cố lưới điện và tai nạn điện. Lưới điện hạ áp nông thôn do địa phương, tổ chức, thậm chí người dân tự xây dựng phần lớn rất không an toàn.

Xin ông cho biết những nguy cơ mất an toàn điện trong mùa mưa bão?

Khi có mưa, bão, lũ, hệ thống hạ tầng cơ sở nói chung, trong đó có hệ thống điện lực thường bị ảnh hưởng. Một số sự cố thường gặp là đứt dây dẫn điện, nghiêng và đổ cột, cháy nổ các thiết bị điện, nước lũ hoặc sạt lở đất cuốn trôi các cột điện.

Rất nhiều sự cố do bão làm đổ cây cối vào lưới điện, gió bão cuốn các biển quảng cáo, mái tôn, rơm, rạ cuốn vào dây dẫn điện. Nếu người dân sơ ý đi vào nơi có lưới điện bị sự cố có thể bị tai nạn điện giật. Mặt khác khi nước dâng gây ngập thì có thể làm rò điện từ các thiết bị điện ra môi trường xung quanh.

Trước thực tế này, EVN đã có những giải pháp gì để giảm thiểu tai nạn điện trong nhân dân? Và trong mùa mưa bão?

Hàng năm, trước mùa mưa bão, EVN đều chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra, rà soát phương án phòng chống lụt bão, tuyên truyền về một số nguy cơ có thể gây ra tai nạn điện trong nhân dân.

Khi có gió bão cấp 6 trở lên, sẽ cắt điện các tuyến dây nổi cho đến khi bão tan mới kiểm tra, khôi phục lại. Những khu vực ngập sâu, có thể ảnh hưởng đến an toàn đều được đơn vị điện lực chủ động cắt điện.

Để phòng tránh tai nạn điện, ông có lời khuyên gì đối với người sử dụng điện khi mưa bão xảy ra?

Để phòng tránh tai nạn điện, đặc biệt là mùa mưa bão, chúng ta cần tuân thủ nghiêm ngặt những điều cần thiết.

Cụ thể, các chủ đầu tư, các chủ công trình tuyệt đối không xây dựng lấn chiếm trái phép hành lang an toàn lưới điện cao áp. Những người không có nhiệm vụ không trèo lên cột điện hoặc vào trạm điện. Không phơi quần áo, đồ dùng lên dây điện; thả diều, đá bóng ở gần đường điện.

Không sử dụng thiết bị điện không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện an toàn. không dùng dây trần làm dây dẫn điện trong nhà; không dùng điện theo cách lấy điện một pha bằng một dây dẫn, còn dây nguội đấu xuống giếng, xuống ao hoặc đấu nối vào đường ống nước.

Các thiết bị điện trong nhà cần được lắp riêng biệt cho từng tầng, có bộ phận ngắt điện riêng., một số vùng dân cư có nguy cơ ngập lụt cần lắp hệ thống điện riêng biệt cho tầng thấp để dễ dàng cắt điện tầng bị ngập ra mà không ảnh hưởng đến sinh hoạt. Tầng dưới nên lắp đường điện, ổ cắm cao trên 1m đề phòng bị ngập nước.

Trường hợp nhà bị ngập nước mà không cắt được điện thì phải đứng trên các nơi chưa bị ngập, gọi điện hoặc kêu cứu để mọi người báo cơ quan điện lực cắt điện. Không tự ý lội trong nhà dọn đồ đạc sẽ bị điện rò trong nước gây tai nạn chết người

Các thiết bị điện bị ngấm nước, phải sấy khô mới được sử dụng. Khi người hoặc chân tay bị ướt không tiếp xúc với điện. Khi thấy dây dẫn điện bị đứt, các thiết bị điện bị đổ hoặc thấy nguy cơ mất an toàn thì không lại gần.

Không được đến gần hoặc bám vào cột điện bị ngập nước đề phòng điện rò trong nước gây tai nạn. Ngay lập tức gọi điện cho Công an Phường hoặc gọi điện cho cơ quan điện lực gần nhất, hoặc đường dây nóng được thông báo trong hoá đơn thanh toán tiền điện để được giúp đỡ.

Cho đến thời điểm này, 95% số hộ của cả nước đã được sử dụng điện từ lưới quốc gia. Điện thực sự đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Song điện lại là nguồn nguy hiểm, chỉ sơ ý hoặc thiếu hiểu biết khi tiếp xúc với điện sẽ bị tai nạn rất thương tâm, đặc biệt mỗi khi có mưa bão, lụt. Do vậy yêu cầu an toàn điện nói chung và an toàn điện trong mùa mưa bão phải được cộng đồng hết sức lưu tâm. 

Minh Huệ