Nhiệt độ sáu tháng đầu năm nóng nhất lịch sử

Xã hội - Ngày đăng : 11:26, 29/07/2010

Do tác động của hiện tượng Trái Đất ấm lên, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong sáu tháng đầu năm là nóng nhất trong lịch sử kể từ khi ngành khí tượng thủy văn bắt đầu ghi lại các số liệu thống kê cách đây hơn 100 năm.

Nông dân Quảng Ngãi cắt bỏ lúa hè thu bị chết do hạn. (Ảnh: Thanh Long/TTXVN)

Do tác động của hiện tượng Trái Đất ấm lên, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong sáu tháng đầu năm là nóng nhất trong lịch sử kể từ khi ngành khí tượng thủy văn bắt đầu ghi lại các số liệu thống kê cách đây hơn 100 năm.

Báo cáo phối hợp giữa hai cơ quan khí tượng hàng đầu thế giới là Văn phòng Khí tượng Quốc gia Anh (MET) và Cơ quan Hải dương và Khí quyển Quốc gia Mỹ (NOAA) cho thấy có xu hướng nóng lên rõ ràng giữa thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 và thập niên 90 của thế kỷ trước.

Các nhà khoa học cũng khẳng định họ có "bằng chứng thuyết phục nhất" về hiện tượng nóng lên trên toàn cầu sau khi có nhiều ý kiến nghi ngờ giới khoa học "nói vống lên" về những nguy cơ thảm họa môi trường do hiện tượng này gây ra.

Báo cáo trên đã tổng hợp 11 chỉ số về tình trạng ấm lên toàn cầu, mỗi chỉ số được tổng hợp từ 3-7 nhóm số liệu, thu thập trong khoảng thời gian từ năm 1850-1970, trong đó có những chỉ số cơ bản nhất gồm nhiệt độ đất liền, nhiệt độ không khí, nhiệt độ mặt nước biển và tốc độ tan băng ở hai cực.

Theo thống kê, năm 1998 là năm nóng kỷ lục từ trước đến nay. Tuy nhiên, các số liệu tổng hợp về nhiệt độ đất liền và mặt biển từ Viện Nghiên cứu Vũ trụ Goddard của NASA (GISS) và NOAA cho thấy sáu tháng đầu năm là giai đoạn nóng nhất trong lịch sử.

Theo GISS, có tới bốn tháng trong giai đoạn này Trái Đất có nhiệt độ trung bình cao nhất tính theo tháng. Trong khi đó, số liệu của MET cũng cho thấy nửa đầu năm 2010 có nhiệt độ nóng thứ hai trong lịch sử, chỉ thua cùng giai đoạn của năm 1998. Tuy nhiên, nếu tính riêng tháng Giêng và tháng Ba, thì năm 1998 vẫn không nóng bằng thời điểm vừa qua.

Trong 50 năm qua, nhiệt độ trung bình trên Trái Đất đã tăng 0,56 độ C, dù rất nhỏ song cũng đủ tạo ra biến động khí hậu toàn cầu. Các nhà khoa học khẳng định nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng ấm lên toàn cầu vẫn là khí thải CO2 do hoạt động của con người tạo ra./.

Theo TTXVN/Vietnam+