Trách nhiệm không của một “nhà”

Giáo dục - Ngày đăng : 06:50, 29/07/2010

(HNM) - Vài năm gần đây, vấn đề giáo dục đạo đức cho HS nói chung, tình trạng HS đánh nhau nói riêng đã trở thành đề tài


Nỗi buồn từ những con số


Cần trang bị những kỹ năng sống cần thiết cho học sinh để có thể ứng xử đúng trước những tình huống nảy sinh trong cuộc sống. Ảnh: Viết Thành


Từ đầu năm học 2009-2010 đến nay, toàn quốc xảy ra 1.598 vụ HS đánh nhau ở trong và ngoài trường học. Các nhà trường đã khiển trách 881 HS, cảnh cáo 1.558 HS và buộc thôi học có thời hạn với 735 HS. Theo tính toán của Bộ GD-ĐT, cứ 10.000 HS thì có một bị kỷ luật khiển trách, cứ 5.555 HS thì có một bị cảnh cáo và cứ 11.111 HS thì có một bị buộc thôi học có thời hạn vì đánh nhau.

Tham gia đánh nhau phần lớn là HS cuối cấp THCS và THPT. Có 3 nguyên nhân được cho là cơ bản. Trước hết, đây là giai đoạn các em phát triển mạnh mẽ về thể chất, tâm lý, tình cảm, thích thể hiện, dễ có hành động tự phát và nếu không kịp định hướng sẽ dẫn đến sai lầm. HS trung học hiện chưa được trang bị kỹ lưỡng kỹ năng sống cơ bản (kỹ năng tự nhận thức, ứng phó với căng thẳng, giải quyết mâu thuẫn…), dễ bồng bột, thiếu kiềm chế. Nguyên nhân thứ hai là do nhiều gia đình dễ dàng thỏa mãn mọi nhu cầu của con, không quan tâm tới con; gia đình ly tán, thiếu gương mẫu, hành xử thô bạo… Thứ ba, là ảnh hưởng tiêu cực từ văn hóa phẩm không phù hợp, từ vụ việc bạo lực ngoài xã hội… Trong khi đó, nội dung giáo dục trong nhà trường còn nặng lý thuyết, ít liên hệ thực tiễn, không gây hứng thú cho HS.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý, tình trạng HS đánh nhau nhìn chung không tăng nhưng có xu hướng diễn biến phức tạp. Số vụ HS nữ tham gia đánh nhau, HS đánh nhau có đối tượng bên ngoài nhà trường tham gia có chiều hướng tăng. Tính chất và mức độ nghiêm trọng của một số vụ việc (không chỉ có HS nam, mà cả HS nữ đánh nhau, đánh hội đồng, quay phim, phát tán lên mạng, sử dụng hung khí…) cho thấy sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử của một bộ phận HS.

"HS phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình"

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng: Tình trạng HS đánh nhau thời nào và ở đâu cũng có. Chúng ta đã chỉ ra thiếu sót của gia đình, nhà trường, xã hội song lại chưa chỉ ra được cụ thể cách thức giáo dục HS đến nơi, đến chốn. Cần kiên trì giáo dục, nhân đạo, nhưng HS phải được xã hội, pháp luật buộc chịu trách nhiệm về hành vi mà chúng gây ra. Không thể để cha mẹ, thầy cô chịu tội thay cho HS, không thể cứ để HS đua xe rồi cha mẹ đến chuộc…

Để HS tự nhận thức và rút ra bài học cho bản thân với sự định hướng, kiểm soát của gia đình, nhà trường, xã hội là cách mà Hà Nội từng làm để giải quyết việc một HS nữ bị bạn đánh hội đồng và phát tán clip trên mạng trong năm học vừa qua. Quan điểm khi ấy là thật nghiêm khắc với HS, song hình thức xử lý phải có hướng "mở", tạo điều kiện để các em sửa lỗi. Với sự chỉ đạo kiên quyết, có trách nhiệm của ban giám hiệu các trường, các em đã vượt qua được thời gian thử thách nghiêm ngặt với sự giám sát của bạn bè, gia đình, nhà trường, tiếp tục gắn bó với việc học.

Cho rằng không thể đổ lỗi tình trạng HS đánh nhau cho riêng nhà trường, gia đình, xã hội, ý kiến của ông Phạm Hữu Bồng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam được nhiều đại biểu đồng tình. Theo ông Bồng, vấn đề quan trọng là phải trang bị kỹ năng sống cần thiết cho HS một cách hệ thống, đủ cho trẻ ứng xử đúng trước những tình huống nảy sinh trong cuộc sống. Và một trong những giải pháp hiệu quả là tăng cường tuyên truyền gương HS có ý chí rèn luyện, vượt khó học tốt, dũng cảm, quên mình vì bạn… Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, vai trò của báo chí trong việc định hướng hành vi cho giới trẻ là hết sức quan trọng. Khi các hành vi xấu được báo chí đưa tin dồn dập, "quy luật tâm lý mới" khiến chúng bắt chước nhau để không kém ai, nhất là khi internet phát triển như hiện nay. Nếu báo chí lên án đúng mức đối với những HS gây bạo lực, vừa phê phán vừa mở hướng động viên trẻ phục thiện, đưa ra những cách giải quyết hay thì chắc chắn tác dụng giáo dục sẽ lan tỏa rộng rãi.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, để giải quyết tình trạng HS đánh nhau thì một "nhà" là ngành GD-ĐT không thể làm nổi, mà phải huy động sức mạnh từ nhiều phía. Năm học 2010-2011, Phó Thủ tướng đề nghị các trường tổ chức sinh hoạt chuyên đề "Nói không với việc HS đánh nhau", coi trọng việc giáo dục kỹ năng sống cho HS, mỗi trường phải có ít nhất từ 2-3 giáo viên được tập huấn về giảng dạy vấn đề này; thí điểm việc chọn một giáo viên (có biên chế) làm công tác tư vấn tâm lý học đường ở một số trường học…

Hồng Hạnh