Đề án tăng viện phí: Thiếu tính khả thi

Đời sống - Ngày đăng : 06:56, 28/07/2010

(HNM) - Sau khi dự thảo tăng một phần viện phí của Bộ Y tế được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, đại bộ phận người dân đều cho rằng, với mức tăng 7-10 lần trong số 350 dịch vụ y tế là hoàn toàn không phù hợp, gây khó khăn cho bệnh nhân, nhất là người nghèo... Chúng tôi xin trích đăng ý kiến của một số bạn đọc gửi đến Báo Hànộimới về vấn đề này.

* Ông Lưu Minh Đức (phường Mai Động, quận Hoàng Mai): Thực chất là "hợp pháp hóa" những khoản thu
Lý do mà Bộ Y tế đề xuất tăng một phần viện phí là giá viện phí cũ theo Thông tư 14 được ban hành từ năm 1995 đã quá cũ kỹ, lạc hậu, khiến các bệnh viện (BV) thu không đủ chi. Nhưng theo tôi, thực chất việc tăng một phần viện phí nhằm mục đích "hợp pháp hóa" những khoản thu mà các BV đã tự ý tăng từ nhiều năm nay. Hiện tại, giá KCB ban đầu tại các BV công đã lên đến 20.000-30.000 đồng (gấp 7 - 10 lần quy định), các dịch vụ khác cũng tăng từ vài lần đến vài chục lần, thậm chí nhiều dịch vụ đã ở mức cao hơn nhiều so với giá mà Bộ Y tế đang đề xuất, nhưng người dân buộc phải chấp nhận vì khi đi KCB, đi mua thuốc, không mấy ai dám "mặc cả".

* Ông Dương Viết Cường (xã An Tường, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang): Cần có lộ trình phù hợp
Tôi không khỏi bàng hoàng về mức giá viện phí mà Bộ Y tế đề xuất. Có những dịch vụ tăng chóng mặt như mổ mộng kép một mắt, trước đây chỉ có 20.000-60.000 đồng, nay đề xuất tăng lên từ 400.000-600.000 đồng; soi thanh quản, lấy dị vật tăng từ 20.000-60.000 đồng lên mức 300.000-350.000 đồng... Đặc biệt, dịch vụ sinh thiết tủy xương đang có mức giá 10.000-30.000 đồng, nhảy vọt lên 1.800.000-2.000.000 đồng. Việc tăng viện phí đó, người bệnh được hưởng lợi gì, hay vẫn phải chịu cảnh nằm ghép giường, chen chúc xếp hàng để đến lượt chờ khám bệnh, rồi nạn phong bì lót tay cho y, bác sĩ... Đành rằng, tăng viện phí là đúng, nhưng cần phải tăng theo một lộ trình được tính toán khoa học, không thể chỉ căn cứ vào đề nghị của các BV mà áp đặt mức giá phi lý, buộc người dân phải gánh chịu.

* Bà Tạ Thị Oanh (nhà CT10, Khu đô thị Trung Hòa, quận Cầu Giấy): Viện phí tăng, chất lượng khám chữa bệnh có tăng?
Tôi sinh con tại một BV lớn trong thành phố, nghe bạn bè dặn phải đổi sẵn khoảng vài triệu đồng tiền lẻ loại 10.000-20.000 đồng để "lót tay" cho bác sĩ, y tá, nhưng tôi chủ quan không làm theo. Kết quả, tôi nhận được sự chăm sóc rất hời hợt. Rút kinh nghiệm, ngày hôm sau làm theo lời bạn bè và tôi thực sự không còn nhận ra những y tá, bác sĩ ngày hôm trước, bởi thái độ của họ với tôi hoàn toàn thay đổi. Từ việc lau rửa vết thương cho sản phụ, tắm, thay tã lót cho bé..., các y tá đều được nhận tiền bồi dưỡng. Nếu giá viện phí tăng, đổi lại người dân được sử dụng dịch vụ KCB tốt hơn, không còn cảnh người bệnh phải lót tay, bồi dưỡng cho các y, bác sĩ... thì rất nên làm.

* Ông Nguyễn Văn Hành (phường Thượng Thanh, quận Long Biên): Người nghèo mắc bệnh nan y sẽ ra sao?
Con trai tôi năm nay học lớp 9, cháu không may mắc bệnh suy thận mạn. Mỗi tháng cháu phải vào BV chạy thận nhân tạo 8 lần. Dù cháu có thẻ BHYT dành cho học sinh, sinh viên, nhưng theo quy định, gia đình tôi vẫn phải cùng chi trả 20% tiền viện phí. Thế nhưng số tiền mỗi năm gia đình tôi phải chi trả cho việc KCB của cháu cũng đã lên đến vài chục triệu đồng. Nhìn cảnh những bệnh nhân từ các tỉnh xa về Hà Nội chạy thận nhân tạo, có người phải đi quét rác, nhận giặt giũ thuê cho các gia đình bệnh nhân khác... để có tiền chữa bệnh, mới thấu hiểu được nỗi khổ của người nghèo không may mắc bệnh tật. Mục tiêu của Nhà nước là BHYT toàn dân, nhưng với mức tăng viện phí từ 7-10 lần như đề xuất của Bộ Y tế, thì ngay những người tham gia BHYT cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy chỉ phải cùng chi trả từ 5-20%, nhưng với mức tăng quá cao, những người nghèo mắc bệnh mạn tính, chắc chắn chỉ còn cách nằm… chờ chết, vì không có tiền KCB.

* Bà Nguyễn Thanh Hà (Khu đô thị mới Văn Quán, quận Hà Đông): Nếu chấm dứt được tiêu cực, tăng bao nhiêu cũng chấp nhận
Gia đình tôi có một cháu nhỏ 4 tuổi, mỗi khi cháu đau ốm phải đi khám ở khoa nhi các BV, tiền khám bệnh thường là 60.000 đồng, chưa kể phải làm hàng loạt các xét nghiệm, trong đó xét nghiệm thấp nhất cũng là 40.000 đồng. Mặc dù, tất cả các cháu dưới 6 tuổi đều được phát thẻ BHYT, nhưng khi thu tiền chẳng ai hỏi đến thẻ BHYT và các bậc cha mẹ cũng không muốn chìa thẻ BHYT ra. Bởi đơn giản họ sợ rằng, KCB bằng thẻ BHYT bác sĩ sẽ không nhiệt tình, thủ tục KCB sẽ chậm chạp, thuốc được cấp không phải loại thuốc tốt... Nếu tăng viện phí mà chấm dứt được tình trạng trên, chất lượng dịch vụ được bảo đảm, thì dù có tăng giá của cả 3.000 dịch vụ y tế, người dân cũng đồng tình.

Ban Bạn Đọc