Sách nói - kênh văn hóa mới

Văn hóa - Ngày đăng : 06:41, 28/07/2010

(HNM) - Khoảng vài năm trở lại đây, sách nói (audio book) xuất hiện và trở nên phổ biến ở nước ta. Dưới sự trợ giúp đắc lực của công nghệ truyền thông, ngày càng có nhiều người lựa chọn sách nói và điều đó khiến việc đọc sách giấy, thậm chí là đọc e-book (sách điện tử) cũng có nguy cơ trở nên lỗi thời.

Sách nói ra đời, ban đầu chỉ với mục đích hướng tới người khiếm thị, những người không có khả năng đọc bằng mắt trên sách giấy hay sách điện tử. Với họ, sách nói thực sự là công cụ tiện ích, giúp người khiếm thị nâng cao khả năng thụ hưởng văn hóa. Chỉ cần một file âm thanh chạy trên máy tính, một đĩa âm thanh và một công cụ mở đĩa là người khiếm thị đã có thể khám phá một tác phẩm văn học đặc sắc, tiếp thu kiến thức bổ ích.

Năm 2007, cuốn "Chuyện tình ở New York" của tác giả Hà Kin được xuất bản; mua mỗi cuốn sách này, người ta tặng kèm CD trích đọc một đoạn tác phẩm trên nền nhạc êm dịu. Đó là cuốn sách văn học có kèm audio (có thể coi là một dạng sách nói) đầu tiên ở nước ta.

Với giọng đọc truyền cảm, sinh động, sách nói đem đến người nghe xúc cảm khác nhau, việc cảm thụ sách cũng trọn vẹn hơn. Thế nên, đây cũng là lựa chọn của nhiều người. Đầu hè, Công ty Nhã Nam phát hành bộ Truyện tranh Cổ tích Việt Nam, mỗi tích truyện được kể lại qua những giọng đọc truyền cảm. Những file audio truyện cổ tích này được đăng trên website của Nhã Nam, để người nghe có thể tải về. Sách nói cũng rất dễ sao lưu vào các phương tiện điện tử như máy tính, máy nghe nhạc, điện thoại… Lúc "rảnh rỗi bất đắc dĩ" nào đó, như khi ngồi trên ô tô, xếp hàng… mọi người đều có thể sử dụng sách nói.

Hiện đại, có "hại điện"?
Hiện nước ta có nhiều trang web có sách nói thu hút thính giả như trang www.sachnoi.net, www.khosachnoi.com, trang media của Báo Tuổi trẻ online… Các trang web này thường cung cấp sách nói miễn phí cho thính giả, nhiều độc giả trên mạng đã chia sẻ cho nhau bí quyết để tải các file về máy tính, điện thoại. Mới đây, Công ty Sách Phương Nam cho ra mắt bộ sách nói dưới dạng CD, có thể coi là dấu mốc cho sự tham gia của sách nói vào thị trường. Đó là CD đọc những cuốn sách văn học được yêu thích ở nước ta, như "Cánh đồng bất tận" (Nguyễn Ngọc Tư), "Trại hoa đỏ" (Di Li), "Bụi đường" (Bùi Anh Tấn), "Nụ hôn ngược chiều thời gian" (Dương Thụy)… hay các sách nuôi dưỡng tâm hồn như "Giận", "Thay đổi trái tim", "Chuyện đời tự kể"…

Có thể kể ra rất nhiều tiện ích mà sách nói mang lại, nhưng cũng có thể đặt ra những câu hỏi quanh sự xuất hiện của chúng. Việc các trang web chia sẻ tràn lan file sách nói đặt ra những nghi vấn về bản quyền: bản quyền với tác giả của sách giấy, bản quyền với những người thực hiện sách nói như biên tập viên, người làm nhạc nền… Sự phát triển của sách nói, đến một trình độ nào đó có thể tạo ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hóa đọc. Liệu người ta có bị "lười hóa" mà quên hẳn cách đọc truyền thống?

Đỗ Thu