Vấn nạn núp bóng lễ hội

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:21, 28/07/2010

(HNM) - Lễ hội Văn hóa ẩm thực quốc tế 2010 đã hạ màn tại Vũng Tàu tối 25-7, thế nhưng dư âm của nó vẫn gây


Lễ hội Văn hóa ẩm thực quốc tế 2010 có quy mô lớn, được quảng bá rộng rãi: 62 đoàn tham gia, trong đó có 30 đoàn nước ngoài, thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách... lại được tổ chức tại thành phố du lịch được xếp hạng nhất, nhì cả nước. Thế nhưng đọng lại nhiều nhất là những hình ảnh phản văn hóa. Khoan nói những chuyện như khẩu phần ăn bị cắt xén, những chú lính lạc lõng vận trang phục triều Nguyễn, thao tác súng thần công ngay trên nơi được BTC bố trí làm sàn nhảy với khung cảnh đậm chất Phục hưng châu Âu; người người chen lấn; rác thải vương vãi tứ tung... chỉ riêng màn trình diễn bikini trong đêm khai mạc đã đủ gây thất vọng và đặt ra vô vàn câu hỏi xung quanh lễ hội này.

Điều đáng nói là khi mọi chuyện vỡ ra người ta mới biết màn trình diễn hai mảnh thiếu thẩm mỹ kia không có giấy phép của cơ quan chủ quản là Sở VH-TT&DL tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Rồi những bùng nhùng khiến một số đoàn rũ áo bỏ về cũng ngoài tầm kiểm soát của BTC. Người ta nói UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ kiểm điểm Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Imperial Group - đơn vị phối hợp tổ chức lễ hội sau những vụ việc gây nhiều bức xúc. Tuy nhiên đến nay, việc kiểm điểm thế nào, hình thức kỷ luật ra sao?... vẫn chưa có thông báo của cơ quan hữu trách.

Đáng quan ngại hơn là những dấu hiệu biến tướng của lễ hội đang có nguy cơ phát triển tràn lan và thoát khỏi tầm kiểm soát của các nhà quản lý. Điều này không mới, đã được giới khoa học và truyền thông cảnh báo từ nhiều năm trước. Cơ quan chủ quản - Bộ VH-TT&DL cũng đã nhận thức rõ vấn đề này. Trong buổi giải trình trước UBTV Quốc hội gần đây, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Tuấn Anh đã thừa nhận: Loại hình lễ hội VH-TT&DL phát triển mạnh mẽ nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể, các địa phương còn lúng túng trong chỉ đạo, quản lý, tổ chức... Thực tế Bộ VH-TT&DL đã đưa ra một số giải pháp nhằm chấn chỉnh việc tổ chức lễ hội nhưng chưa mang lại hiệu quả.

Lễ hội Văn hóa ẩm thực quốc tế 2010 tại Vũng Tàu chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về làn sóng thương mại hóa lễ hội đang lan rộng gây thành vấn nạn núp bóng lễ hội (một sinh hoạt văn hóa) để kiếm tiền một cách phi văn hóa. Rõ ràng đã đến lúc các nhà quản lý phải ra tay xử lý quyết liệt, ban hành hệ thống văn bản điều chỉnh các hoạt động lễ hội. Bởi lẽ nếu không kiên quyết hành động, thì những nỗ lực quảng bá hình ảnh Việt Nam trong bè bạn quốc tế chẳng khác nào "dã tràng se cát". Hơn nữa, chúng ta sẽ tự đánh mất những giá trị truyền thống đích thực, để rồi cái còn lại chỉ là những phi vụ thương mại, thậm chí phản văn hóa núp bóng lễ hội mà thôi.

Thế Phương