Vơi dịu những nỗi đau

Chính trị - Ngày đăng : 07:08, 27/07/2010

(HNM) - Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên tỉnh Hà Nam thành lập năm 1957. Từ đó đến nay hàng trăm thương binh nặng đã được tập thể cán bộ, nhân viên trung tâm ngày đêm chăm sóc, nuôi dưỡng như người thân trong gia đình.

Sinh viên tình nguyện chăm sóc thương binh nặng đang được nuôi dưỡng ở trung tâm.


Nỗi đau còn lẩn khuất
20 tuổi, cô gái Thái Bình Phạm Thị Minh Thao đã có 4 năm là du kích. Trong một lần đánh đồn địch, chị bị thương nát hai cánh tay và nhiều thương tích trên người. Từ đó mọi sinh hoạt cá nhân của chị đều phải nhờ tới y tá. Giờ đây đã bước sang tuổi 77, sau nhiều năm luyện tập, bà không phải nhờ đến sự giúp đỡ của mọi người, nhưng mỗi lần nhắc đến thương tật, bà Thao lại nhói đau: "Thời chiến tranh, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mỏng manh nhưng tôi chẳng sợ gì cả. Bây giờ, tôi lại rất sợ những hôm trái nắng trở trời".

Ở trung tâm, mỗi thương binh phải chịu nỗi đau âm ỉ trong cơ thể, mỗi khi trái gió, trở trời. Ông Nguyễn Thanh Ruyện, sinh năm 1953, ở huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, thương binh hạng 1/4. Năm 1979, ông được đưa về trung tâm trong tình trạng chấn thương cột sống, liệt nửa người. Đến nay, sức khỏe của ông đã ổn định nhưng vẫn thường xuyên phải sử dụng thuốc giảm đau... Anh Nguyễn Văn Phúc, sinh năm 1960, quê ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên bị mảnh đạn của kẻ thù găm vào cột sống làm hai chân không cử động được.

Tất cả vì các anh
Ngày đầu thành lập, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên được gọi là "Trại an dưỡng thương binh". Các thương binh được đưa về nuôi dưỡng, chăm sóc, đã có nhiều người khỏi bệnh, trở về với gia đình, quê hương, nhưng cũng có không ít người do hoàn cảnh, sức khỏe, bệnh tật, đã gắn bó với trung tâm suốt quãng đời còn lại. Ông Nguyễn Sỹ Lương, Giám đốc trung tâm cho biết: "Trước đây, có lúc trung tâm nuôi dưỡng đến 300 thương binh. Hiện nay trung tâm đang nuôi dưỡng, điều dưỡng, chăm sóc 64 thương binh nặng và người có công với cách mạng của 14 tỉnh, thành phố từ Quảng Nam trở ra. Bên cạnh việc chăm sóc, trung tâm còn thường xuyên tổ chức cho thương binh, người có công với cách mạng đi thăm viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9 ở tỉnh Quảng Trị; nghỉ mát ở Đồ Sơn (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hóa)...

Hầu hết cán bộ, công nhân viên của trung tâm đều đã làm việc ở đây nhiều năm và có tinh thần trách nhiệm cao trong việc chăm sóc thương, bệnh binh. Chị Phạm Thị Loan, Tổ trưởng Tổ Hộ lý cho hay, công việc hằng ngày của các chị là chăm sóc, tắm giặt, vệ sinh cá nhân, phục vụ anh em thương binh, trực đêm, đưa anh em đi cấp cứu ở các bệnh viện lớn. Nghe thì đơn giản nhưng thực ra lại hết sức vất vả, cực nhọc. Các chị vừa là người phục vụ, lại vừa như người chị gái, người vợ, người mẹ hiền. Sự tận tụy từ tấm lòng của các chị đã được các thương binh ghi nhận.

Tới thăm trung tâm, chứng kiến những công việc mà các cán bộ, nhân viên đã và đang làm, chúng tôi vô cùng cảm phục sự hy sinh to lớn của họ trong công việc âm thầm nhưng đầy trách nhiệm, tình nhân ái, sự đùm bọc, sẻ chia với những người anh hùng đang phải chịu thương tật suốt đời.

Quỳnh Anh