Tri ân bằng tình yêu thương và trách nhiệm
Chính trị - Ngày đăng : 07:41, 26/07/2010
Nơi vui sống tuổi già
Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 có diện tích hơn 1ha thuộc xã Viên An, huyện Ứng Hòa. Đứng từ triền đê sông Đáy nhìn xuống, trung tâm như một lẵng hoa xinh xắn với những dãy nhà khang trang bao quanh mình bởi các loại cây xanh. Bước chân vào nơi này, tôi thật sự ngạc nhiên vì thay vào sự tĩnh lặng vốn có tại các khu điều dưỡng, nuôi dưỡng là không khí vui vẻ của các bà, các mẹ đang tụ họp tại hội trường nghe những bài hát cách mạng. "Chị đừng ngạc nhiên, sắp đến ngày thương binh, liệt sĩ 27-7, trung tâm tổ chức nhiều hoạt động, hơn nữa những ngày này có rất nhiều tổ chức, đoàn thể của thành phố và các nơi đến thăm nên các cụ vui lắm" - một cán bộ của trung tâm giải thích.
Trong những căn phòng nhỏ khoảng 20m2 với tiện nghi khép kín gọn gàng, ngăn nắp, các mẹ bên nhau vui vẻ chuyện trò. Chúng tôi gặp Mẹ Việt Nam Anh hùng Tô Thị Na ở Trầm Lộng, Ứng Hòa. 94 tuổi, có chồng hy sinh thời kháng chiến chống Pháp, rồi người con trai duy nhất cũng anh dũng hy sinh trong những năm chống Mỹ cứu nước, song vượt qua nỗi đau đó, mẹ vẫn sống rất lạc quan, yêu đời. Mẹ hài lòng bảo: "Ở đây vui lắm, vừa được chăm lo bữa ăn, giấc ngủ lại có người trò chuyện cùng". Còn mẹ Nguyễn Thị Nhiêu, 86 tuổi ở xã Sơn Công, Ứng Hòa có con trai duy nhất hy sinh năm 1962 thì nhớ: "Tôi là những người đầu tiên đến ở trung tâm này. Ngày đầu mới lên cả khu điều dưỡng chỉ có vài dãy nhà cấp 4, vắng vẻ mà giờ đã khang trang, đông vui quá. Điều kiện chăm sóc, ăn uống cũng tốt hơn rất nhiều".
Cố gắng hoàn thiện để chăm sóc ngày một tốt hơn
Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công số 2 Hà Nội tiền thân là Khu điều dưỡng thương binh nặng Hà Sơn Bình được thành lập từ năm 1978. Từ năm 1994, trung tâm được giao nhiệm vụ mới là nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng. Đến thời điểm hiện nay, trung tâm đang thực hiện nuôi dưỡng thường xuyên 66 người, trong đó có một Mẹ Việt Nam Anh hùng, một cán bộ tiền khởi nghĩa, 8 mẹ liệt sĩ, 41 vợ, con liệt sĩ và các đối tượng chính sách khác. Ngoài ra, hằng năm, trung tâm còn thực hiện điều dưỡng luân phiên cho trên 3.000 lượt người. Chỉ tính riêng từ ngày 10-3 đến 20-7 năm nay, đã có 2.672 lượt người có công đến điều dưỡng tại đây.
Một ngày mới của các mẹ, các chị những người có công, thương, bệnh binh ở trung tâm, ngoài việc vệ sinh cá nhân thì được cán bộ điều dưỡng đưa đi dạo và trò chuyện. Người già vốn lặng lẽ, ít nói nên những công việc đơn giản, chẳng có chút gì đặc biệt so với cuộc sống đời thường kia lại chính là một trong những phương thức để rèn luyện, giữ gìn sức khỏe, giúp thư giãn tinh thần cho những người đang được chăm sóc tại đây. Trung tâm cũng bố trí để các cụ cùng nhau xem truyền hình trong một phòng riêng, có thời gian giao lưu, trao đổi. Kết hợp với công tác điều dưỡng, đơn vị thường xuyên tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao, để góp phần nâng cao thể lực, trí lực cũng như đời sống tinh thần.
Ông Nguyễn Văn Nhiêu, Giám đốc trung tâm chia sẻ, hầu hết những người đến điều dưỡng, nuôi dưỡng tuổi đã cao, sức khỏe yếu, khả năng tự phục vụ rất hạn chế song nhiều năm qua, các cán bộ trung tâm luôn cố gắng hoàn thiện đến mức cao nhất để chăm sóc ngày một tốt hơn cho người có công. Các mẹ, các anh, các chị không chỉ có nỗi đau thân xác mà còn rất nhạy cảm với nỗi đau tinh thần, bởi vậy chúng tôi luôn đề ra cho mình nguyên tắc "gửi sự tri ân và lòng yêu thương bằng chính công việc hằng ngày".