Bán đảo Triều Tiên: Trước sóng gió

Thế giới - Ngày đăng : 06:40, 26/07/2010

(HNM) - Bán đảo Triều Tiên vốn không mấy yên ả nay lại đứng trước sóng gió khi quân đội Hàn Quốc và Mỹ sáng 25-7, bắt đầu cuộc tập trận hải quân quy mô lớn mang tên

Tàu USS của Mỹ đóng vai trò trung tâm trong cuộc tập trận Mỹ - Hàn.


Quân đội Hàn Quốc và Mỹ đã huy động lực lượng hỗn hợp gồm khoảng 8.000 binh lính, hơn 20 tàu ngầm và tàu chiến, trong đó tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS George Washington đóng vai trò trung tâm, cùng khoảng 200 máy bay tham gia vào chiến dịch diễn tập tổng lực này. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên máy bay F-22 Raptor của Mỹ xuất kích từ căn cứ không quân Kadena (Nhật Bản) tham dự tập trận thực hiện các chuyến bay huấn luyện quanh bán đảo Triều Tiên. Sự kiện Nhà Trắng điều động tàu sân bay hạt nhân hàng đầu của hải quân Mỹ tham gia tập trận với Hàn Quốc cho thấy, Washington muốn tái khẳng định cam kết luôn ở bên cạnh Seoul, nhất là trong thời điểm căng thẳng đang gia tăng như hiện nay.

Tuy nhiên, dường như mục tiêu quan trọng hơn mà Mỹ và Hàn Quốc hướng đến trong cuộc tập trận mở màn cho khoảng 10 cuộc tập trận chung từ nay đến cuối năm 2010 tại các vùng biển quanh Hàn Quốc là nhằm kiểm chứng khả năng tác chiến chống tàu ngầm trong vùng biển này nói riêng và vành đai Thái Bình Dương nói chung. Với cuộc tập trận vừa diễn ra trong 24 giờ đầu tiên vừa qua, liên minh Mỹ-Hàn muốn cho thế giới thấy sức mạnh quân sự cũng như khả năng phòng thủ trước các tình huống giả định; trong đó hẳn là gồm cả thách thức hạt nhân từ CHDCND Triều Tiên.

Bình Nhưỡng ngay lập tức xem hành động của Mỹ và Hàn Quốc là "hành vi khiêu khích trắng trợn nhằm áp chế Triều Tiên bằng sức mạnh vũ khí". Ủy ban Quốc phòng Triều Tiên tuyên bố sẽ sử dụng biện pháp "răn đe hạt nhân mạnh" để đáp trả; đồng thời cáo buộc Mỹ "đang đẩy tình hình đến một giai đoạn cực đoan" và Mỹ phải chịu trách nhiệm về mọi hậu quả nguy hại về hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Bắc Á...

Cuộc tập trận Mỹ - Hàn đang khiến tình hình bán đảo Triều Tiên vốn phức tạp nay trở nên căng thẳng hơn. Cuộc phô diễn hải quân quy mô lớn Mỹ - Hàn đã vấp phải sự phản đối của một số nước trong khu vực, trong đó Trung Quốc đã lên tiếng bày tỏ quan ngại hoạt động này có thể châm ngòi cho căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Rõ ràng việc sớm nối lại đàm phán 6 bên không chỉ là giải pháp tối ưu cho tiến trình phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh hiện nay, mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với hòa bình, ổn định và sự phát triển lâu dài ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đây cũng là một trong những vấn đề được các Bộ trưởng Ngoại giao của 27 đối tác thành viên Diễn đàn khu vực ASEAN lần thứ 17 (ARF 17) tại Hà Nội vừa qua đặt trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự khi nhất trí kêu gọi các bên liên quan kiềm chế để giải quyết hòa bình mọi khác biệt. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng tuyên bố trước báo giới khi kết thúc ARF 17 rằng "Washington luôn mở cửa chào đón Bình Nhưỡng để đàm phán về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên".

Song, đó vẫn chỉ là những ngôn từ ngoại giao. Nhìn vào tầm mức cuộc tập trận đang diễn ra cho thấy, Mỹ cũng như Hàn Quốc vẫn chưa sẵn sàng ngay - ít nhất là trong 72 giờ tới - để nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân với CHDCND Triều Tiên. Vụ tàu chiến Hàn Quốc bị chìm đã mang lại cho Washington cơ hội phô trương sức mạnh quân sự là điều dễ hiểu sau một thời gian dài bày tỏ quan ngại về khả năng vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Cuộc phô diễn sức mạnh hải quân Mỹ-Hàn đang diễn ra có đích thực gây sức ép với Bình Nhưỡng và hiệu quả của nó vẫn còn là ẩn số. Nhưng, với những gì đang diễn ra đã cho thấy: tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đang lâm vào thử thách lớn. Lời kêu gọi hòa bình cho bán đảo này vẫn ở đâu đó khá xa bên ngoài tầm của sự lắng nghe.

Đình Hiệp