Khẩn trương khắc phục hậu quả, giúp dân ổn định cuộc sống
Đời sống - Ngày đăng : 06:12, 26/07/2010
Một trường tiểu học tại Yên Bái chìm trong nước. Ảnh: Báo Yên Bái
Thống kê nhanh của Văn phòng Ban chỉ đạo phòng, chống lụt, bão trung ương, tỉnh Hà Giang bị thiệt hại nặng nề nhất: 8 người đã bị chết do sạt lở đất, đổ nhà và nước lũ cuốn trôi tại các huyện Yên Minh, Xín Mần và Bắc Quang; 1 người bị thương; 78 ngôi nhà bị ngập nước hư hỏng nặng; các vị trí trên tuyến quốc lộ 4C, quốc lộ 34 và quốc lộ 279 bị sạt lở gần 510m3 đất đá, một số tuyến đường tỉnh lộ từ huyện Xín Mần - Bắc Hà, huyện Yên Bình - Cốc Pài, huyện Bắc Quang - Xín Mần sạt lở 5.330m3 đất đá khiến lưu thông trên các tuyến đường này bị tê liệt hoàn toàn; khoảng 760ha lúa và hoa màu đã bị ngập chìm trong nước...
Tỉnh Cao Bằng thống kê mới nhất đã có ít nhất 2 người bị chết do sập hầm tại mỏ quặng Quang Trung, huyện Trà Lĩnh. Tính đến chiều qua, tỉnh này đã sơ tán 685 người dân đến nơi an toàn. Trong đêm qua (25-7), chính quyền các huyện Nguyên Bình, Phục Hòa, Bảo Lạc, Hòa An, Hà Quảng và thị xã Cao Bằng tiếp tục di dời 2.765 người dân trong khu vực nguy hiểm cần phải sơ tán. Hiện Cao Bằng chưa thống kê đầy đủ tình hình thiệt hại do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2.
Tại tỉnh Lào Cai trong ngày 25-7 do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, mưa lớn xảy ra cục bộ ở một số địa phương. Mưa lớn đã gây sạt lở đất đá tại xã Tân Tiên huyện Bảo Yên làm sập nhà dân, rất may không có thiệt hại về người. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, tính đến chiều tối 25-7, toàn huyện có 1 người chết, 3 người bị thương. Ngày hôm qua (25-7), thượng nguồn sông Hồng phía Trung Quốc vẫn có mưa diện rộng nên nước tiếp tục đổ về gây lũ cao trên sông Hồng đoạn qua địa phận Lào Cai. Lũ đổ về cuốn theo nhiều củi rác, nhiều cây gỗ to. Điều đáng nói, rất nhiều người dân địa phương sinh sống dọc sông Hồng bất chấp nguy hiểm đến tính mạng đã dùng thuyền nan nhỏ đuổi theo để vớt củi gỗ trôi.
Theo báo cáo nhanh của tỉnh Yên Bái, trong ngày 25-7 không có thiệt hại đáng tiếc về người do ảnh hưởng của mưa lũ. Tuy nhiên, tỉnh này có 132 nhà bị ngập nước, 22 ngôi nhà bị hư hỏng, 3.000m3 đất đồi bị sạt lở, 18,5ha lúa, hoa màu và ao nuôi trồng thủy sản bị ngập trắng nước.
Mưa kèm theo lũ lớn không chỉ gây ảnh hưởng nặng nề cho các tỉnh miền núi phía Bắc, một số tỉnh dưới hạ du cũng xảy ra úng ngập cục bộ. Tại tỉnh Bắc Giang, tính đến chiều tối qua (25-7), có 10 xã bị chia cắt do đường qua các ngầm tại huyện Sơn Động bị ngập; 44.101ha lúa và hoa màu của tỉnh này bị ngập; 120 hộ dân các khu vực được cảnh báo nguy hiểm đã đươc di dời đến nơi an toàn.
Trước diễn biến mưa khá phức tạp, Văn phòng Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão trung ương yêu cầu các địa phương miền núi phía Bắc tiếp tục theo dõi diễn biến mưa và có phương án di dời dân ở những vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời, nhanh chóng khắc phục hậu quả, giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại, động viên nhân dân sớm ổn định cuộc sống.
Trong khi đó, từ đêm 24, rạng sáng 25-7, trên địa bàn Hà Nội đã có mưa vừa, mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được từ 19h ngày 24-7 đến 7h ngày 25-7 ở khu vực nội thành trên 20mm; khu vực ngoại thành phổ biến xấp xỉ 50mm. Tuy nhiên, tại một số huyện ngoại thành đã xảy ra mưa rất to như: huyện Đan Phượng 280mm, huyện Hoài Đức 191mm, huyện Phúc Thọ 183,5mm, huyện Mê Linh 150mm. Mưa lớn đã gây ngập úng trên 1.100ha lúa mùa ở các huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Từ Liêm, Phúc Thọ, Mê Linh (trong đó huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Từ Liêm ngập úng khoảng 1.000ha, huyện Phúc Thọ ngập úng khoảng 100ha.
Trước tình hình này, hôm qua, UBND TP Hà Nội đã có công điện yêu cầu các đơn vị, địa phương triển khai công tác phòng, chống úng ngập theo phương án đã xây dựng; ưu tiên vận hành tối đa công suất các trạm bơm và các công trình tiêu để chống úng, bảo đảm an toàn lúa mùa ở các khu vực bị ngập úng; khơi thông dòng chảy, vật cản trên các sông, mương tiêu, công trình dẫn nước; chủ động, sẵn sàng triển khai phương án chống úng ngập cục bộ đối với các khu vực nội thành; duy trì lực lượng thường trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa úng.
Vùng áp thấp gần quần đảo Trường Sa Hữu Hoài (tổng hợp) |