Hậu giải Cây vợt vàng lần thứ 24: Chờ đợi hiệu ứng

Thể thao - Ngày đăng : 07:48, 25/07/2010

(HNM) - Giải Bóng bàn quốc tế Cây vợt vàng (CVV) lần thứ 24 kết thúc với 3/7 HCV thuộc về các đội Việt Nam và được cho là bước tiến mới về chất của bóng bàn Việt Nam (BBVN). Tuy vậy, xem ra đây chỉ là bước tiến về chất của một giải đấu truyền thống thì đúng hơn.

Tay vợt Yang Le (trái) giúp Petro Việt Nam đoạt 2 HCV tại giải Cây vợt vàng lần thứ 24.


Nhớ lại 25 năm về trước, giải CVV là sáng kiến của một tờ báo thể thao tại TP Hồ Chí Minh và giải đầu tiên đã có được tiếng vang tốt, đến nỗi chẳng bao lâu sau, CVV được Liên đoàn Bóng bàn thế giới (ITTF) công nhận là giải trong hệ thống thi đấu chính thức của tổ chức này, với một mặc định về địa điểm tổ chức mang tính truyền thống. Trong những giải CVV trước, dù chưa một lần đội tuyển Việt Nam (nam hay nữ) đoạt giải đồng đội hoặc giải đơn nhưng công chúng TP Hồ Chí Minh được xem nhiều cuộc so tài đỉnh cao của những hảo thủ, nhiều tay vợt trẻ của Việt Nam có cơ hội cọ xát với các danh thủ quốc tế…

Thời gian trôi qua, người dân TP Hồ Chí Minh tự hào vì giải CVV, một sân chơi được "mặc định" về địa danh đăng cai tổ chức thì năm nay giải CVV mùa này lại chuyển địa điểm thi đấu đến địa phương khác theo đề nghị của nhà tài trợ. Người hâm mộ TP Hồ Chí Minh không vui vì bị mất thương hiệu truyền thống của giải. Nhưng ở góc độ khác, người hâm mộ tại Vũng Tàu lại được hưởng lợi và bằng chứng là lượng khán giả đến xem được đánh giá là xứng đáng với kỳ vọng của nhà tài trợ.

Tuy nhiên, sự thành công của giải CVV xuất phát từ nét đổi mới của ban tổ chức: chấp nhận một nước đi táo bạo, theo nghĩa để chủ nhà thuê 2 tay vợt cừ của Bắc Kinh. Ở giải đồng đội nam, 2 tay vợt này lần lượt trong vai trò chủ lực và tiên phong, còn "hàng nội" là tay vợt số 1 Việt Nam Đoàn Kiến Quốc ở vị trí thứ yếu. Và thế là bộ ba này đã giành HCV, kết cục ấy đã được xem là nét mới! Thực tế, nếu không ở trong một đội ngũ mạnh mẽ như vậy, Kiến Quốc cũng khó xuất thần để đánh bại tay vợt Hàn Quốc tại trận chung kết đồng đội, mang lại chức vô địch đồng đội cho CLB Petro Việt Nam. Và thực tế, các tay vợt Trung Quốc được thuê trên cũng tham dự các nội dung khác, đủ làm đối tượng cọ xát xứng đáng cho các tay vợt Việt Nam. Còn để khẳng định việc các tay vợt ngoại có làm động lực cho các tay vợt Việt Nam tự nhìn lại mình, nâng cao trình độ hơn nữa để có thành tích tốt hơn tại SEA Games hay ASIAD thì phải chờ thời gian.

Tất nhiên, việc "đổi mới" của BBVN tại giải CVV chỉ là một trong nhiều cách kích thích sức phát triển của làng bóng nhựa trong nước nói chung và giải đấu này nói riêng. Việc mời các đội mạnh quốc tế với những tay vợt có chất lượng cao cũng như tạo điều kiện để các đội trong nước, nhất là ở TP Hồ Chí Minh - nơi khai sinh giải, được tham dự nhiều hơn cũng cần được tính đến.

Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam Phạm Đức Thành: Các tay vợt ngoại xuất hiện trong các đội bóng Việt Nam tại giải Cây vợt vàng lần thứ 24 vừa qua, ngoài việc làm tăng tính hấp dẫn của giải còn tác động khá tích cực đến tinh thần thi đấu của các tay vợt Việt Nam. Đây cũng là dấu hiệu tích cực cho việc chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa bóng bàn Việt Nam. Tất nhiên, dù đã có một số CLB hoạt động dưới dạng chuyên nghiệp, nhưng việc cho thuê các VĐV nước ngoài tại giải vô địch quốc gia chưa thể áp dụng ngay mùa tới. Trước mắt, vào năm 2011, tại giải các đội mạnh, giải các CLB toàn quốc, Liên đoàn sẽ thử nghiệm phương án cho các CLB được thuê VĐV nước ngoài. Đương nhiên là VĐV nước ngoài sẽ bị khống chế về số lượng cũng như nội dung thi đấu. Có thể chỉ là được thuê 1 tay vợt và thi đấu đồng đội và đôi.

Thùy An

Trần Quang