Một đời quan trường, một đời hàn sĩ
Xã hội - Ngày đăng : 07:27, 25/07/2010
Một đời tận tụy
Nguyễn Mậu Tài (1616-1688), người xã Kim Sơn, Gia Lâm (Hà Nội), năm 18 tuổi, thi hương, đỗ giải nguyên. Sau đó, ông đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Bính Tuất (1646).
Con đường làm quan của Nguyễn Mậu Tài từng kinh qua Giám sát Ngự sử đạo Hải Dương rồi được thăng chuyển đạo Nghệ An, coi xét việc kiện cáo... Khi xử việc, ông tỏ rõ là người minh triết, coi xét nhanh chóng, công bằng và bao dung. Khi dẹp xong đạo Hưng Hóa, ông làm Đốc học trấn Hải Dương, Yên Quảng (Quảng Ninh ngày nay) rồi chuyển trấn Sơn Nam (Thái Bình ngày nay), Thanh Hóa. Năm Mậu Tuất, niên hiệu Thịnh Đức (1658), ông được sung Nội tán kết tri, làm Lễ bộ khoa Cấp sự trung. Sau đó, ông lại làm Tán lý Hải Dương, Yên Quảng và vẫn tham chính Sơn Nam. Đảm nhiệm tốt công việc, ông được thăng Thái bộc Tự khanh, làm Đốc đồng trấn Sơn Tây rồi lên Phó Đô ngự sử. Năm Kỷ Dậu (1669), ông được phong Hữu Thị lang Bộ Hộ kiêm Bồi tụng. Năm Tân Hợi (1671), ông chịu mệnh vua lên biên giới, giáp Vân Nam, đưa lễ cảm ơn nhà Thanh vì đã bắt và trao trả hai tên giặc là Phúc Điền, Đỗ Đặng. Năm Bính Thìn (1676) đời Vĩnh Trị, ông làm Tham tụng (Tể tướng) phủ Chúa rồi giữ chức Thượng thư Bộ Lễ.
Làm quan, Nguyễn Mậu Tài đau đáu một lòng thương dân. Năm Đinh Tỵ (1677), ông cùng Hồ Sĩ Dương tâu xin giảm bớt những trường hợp công thần được phong ấm cho con cháu và định lại thể lệ miễn giảm thuế cho quan lại. Hồ Sĩ Dương (1622-1681), người xã Hoàn Hậu, Quỳnh Lưu, Nghệ An, đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân năm Khánh Đức thứ 4 (1652), sau đó trúng khoa thi Đông các, làm tới Thượng thư Bộ Công rồi Thượng thư Bộ Lễ, là thông gia của ông. Nhiều việc bất hợp lý, Nguyễn Mậu Tài biện giải thỏa đáng, được Chúa Trịnh sửa đổi cho phù hợp. Về việc này, Khâm định Việt sử thông giám cương mục có ghi: “Tháng 7 mùa thu. Định rõ thể lệ phong ấm cho công thần văn võ và miễn lao dịch cho lại điển hoặc dân đinh. Đầu niên hiệu Vĩnh Tộ, bầy tôi có quân công được dự phong “công thần”, phần nhiều được đời đời phong ấm. Đến nay, Tham tụng Nguyễn Mậu Tài và Hồ Sĩ Dương xin giảm bớt đi, bèn định rõ lại như thế này:
“Công thần khai quốc: Hàng võ từ Đô đốc, hàng văn từ Thị lang trở lên; Công thần trung hưng: Hàng võ từ Đô đốc đồng trị, Đô đốc thiêm sự, hàng văn từ Thị lang, Ngự sử trở lên thì con cháu đời đời phong ấm. Ngoài ra, những người nào ở trong hai bên văn, võ mà chưa được dự phong “công thần” thì về hàng võ từ Tam thái, Tam thiếu đến Đô đốc đồng trị, Đô đốc thiêm sự; về hàng văn từ Tam thái, Tam thiếu, Thượng thư đến Thị lang, con cháu 5 đời phong ấm... Tạp lưu cùng lại thừa các nha môn, chỉ được miễn lao dịch cho bản thân mình. Dân sinh 50 tuổi là lão hạng, 60 tuổi là lão nhiêu đều được miễn lao dịch”.
Năm Nhâm Tuất (1682), Nguyễn Viết Đương làm sớ hặc cụ là bậc trọng thần mà để triều nghi thiếu quy củ. Chúa Trịnh vốn biết ông là người thuần cẩn, không có lỗi gì nhưng vốn đang muốn nghe những lời nói thẳng nên giáng ông làm Hộ bộ tả đường. Tuy nhiên, chỉ sau đó mấy năm ông lại được phong làm Thượng thư Bộ Công, gia tước An Lĩnh bá. Bấy giờ, ông ngoài 70 tuổi, cáo lão xin về, Chúa Trịnh quyến luyến giữ lại, ban cho hậu ân nếu ốm mệt có sớ tâu, không phải vào chầu và năm chữ: Kỳ cựu trấn nhã tục, nghĩa là tuổi già, làm quan đã lâu, đáng là tấm gương cho người nhã, kẻ tục.
Trong Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú viết: “Ông là người trong sạch, nhã nhặn, đứng đắn, chắc chắn; đối với người không bao giờ gây oán. Bấy giờ, ai cũng tôn là người có đức và độ lượng”. Làm quan trong triều hơn 40 năm, trước sau hơn 10 năm là Tể tướng, ông luôn cư xử rộng rãi, khoáng đạt, cúc cung tận tụy. Thân tuy quý hiển nhưng ông vẫn thanh bần, đạm bạc như bậc hàn sĩ, ở trong nhà thì nghiêm cẩn dạy dỗ con cháu.
Danh gia vọng tộc
Kim Sơn, quê hương của Tể tướng Nguyễn Mậu Tài có tên nôm là làng Then. Làng có từ lâu đời. Khi dẹp xong loạn 12 sứ quân năm 968, hai tướng của Đinh Tiên Hoàng là Cao Đô, Cao Điền đã chiêu mộ dân ly tán về đây, lập nên một làng trù phú. Làng Then có đình Thánh thờ ông tổ đạo Nho và các học trò giỏi. Dân làng Then có câu Lục bộ Thượng thư, Kim Sơn ngũ bán, nghĩa là trong triều có sáu bộ thì người Kim Sơn chiếm năm chức... rưỡi Thượng thư.
Thân phụ Nguyễn Mậu Tài là Nguyễn Nhân Hải, làm quan đến Thị lang (tương đương Thứ trưởng bây giờ). Đến Nguyễn Mậu Tài, anh của Nguyễn Mậu Dị, cha Nguyễn Duy Viên, ông nội Nguyễn Mậu Thịnh (theo cuốn Các nhà khoa bảng Việt Nam), đây đều là những tài năng trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Chẳng hạn, Nguyễn Mậu Dị (1622-1704) đỗ Tiến sĩ khoa thi Kỷ Hợi, niên hiệu Vĩnh Thọ, làm đến Phó Đô ngự sử, Bồi tụng, được tặng Thượng thư Bộ Công, tước Thiếu bảo Thiên võ hầu; Nguyễn Duy Viên đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Tuất niên hiệu Chính Hòa (1694), làm đến Liêm Đô ngự sử, được tặng Công bộ Hữu Thị lang, tước nam; một người cháu nội khác của ông là Nguyễn Khiêm Ích (1679-1746), đỗ giải nguyên năm Kỷ Mão (1699); khoa Canh Dần, niên hiệu Vĩnh Thịnh (1710), đỗ Thám hoa Đình nguyên (khoa này không lấy trạng nguyên, bảng nhãn nên đỗ đầu là Thám hoa). Nguyễn Khiêm Ích làm Tả Thị lang Bộ Hình rồi thăng Hữu Thị lang Bộ Lại, tước Thuật phương hầu, làm Bồi tụng. Năm Bảo Thái thứ tư (1723), ông làm Chánh sứ sang mừng Thanh Thế Tông lên ngôi. Nhân có khoa thi bên đó, ông tham dự được đỗ đầu nên còn được gọi là Thám hoa lưỡng quốc.
Con cháu của Nguyễn Mậu Tài được như thế là nhờ ông, như sử sách đã ghi lại, thân tuy quý hiển nhưng vẫn thanh bần, đạm bạc, ở nhà nghiêm cẩn dạy dỗ con cháu.
Năm 73 tuổi Nguyễn Mậu Tài lại xin về nghỉ nhưng chưa kịp về đã mất. Ông được truy tặng Lễ bộ Thượng thư, hàm Thiếu bảo An Quận công, ban tên thụy là Thuần Chất. Ngôi mộ Tể tướng Nguyễn Mậu Tài hiện nằm tại xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, giữa một cái ao cá. Vốn trước đây đã lâu, đây còn là mảnh ruộng, sau đó hợp tác xã đào ao. Ngôi mộ cổ phát lộ và dù sao cũng may mắn là chưa bị xâm hại.
Tể tướng Nguyễn Mậu Tài đã để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử. Ông thương dân, cúc cung tận tụy với công việc và được các nhà chép sử trân trọng. Chắc hẳn, những dân nghèo, những lão hạng, lão nhiêu... thời ấy đã hết sức cảm kích bởi nhờ những lời can gián, biện giải có lý, có tình của vị Tể tướng chính trực này mà họ thoát khỏi nhiều nỗi khổ phu phen, lao dịch, thuế khóa... Hà Nội đang rộn rã với tấm lòng tri ân hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nếu như có kế hoạch bảo tồn, tôn tạo khu di tích - ngôi mộ cổ Tể tướng Nguyễn Mậu Tài cũng là điều hợp lẽ.