Chấm dứt một mô hình

Kinh tế - Ngày đăng : 07:24, 25/07/2010

(HNM) - Hàng loạt doanh nghiệp (DN) đang lâm cảnh dở khóc, dở cười bởi thiếu lao động. Trong phiên giao dịch việc làm vừa được tổ chức tại tỉnh Đồng Nai, nhiều DN rất lo vì tham gia nhiều phiên trực tiếp và trực tuyến, không giới hạn số lượng lao động phổ thông, mà vẫn không tuyển đủ lao động.

Không chỉ thiếu hụt lao động phổ thông, các DN còn chật vật hơn khi cần lao động có trình độ, tay nghề. Chẳng hạn, Tập đoàn CT Group đã cần hơn 20 người cho các chức danh quản lý cửa hàng, tư vấn bán hàng... nhưng không tiếp nhận nổi một hồ sơ nào dù tiêu chí không cao. Một công ty khác cần mở rộng mạng lưới kinh doanh rất khát các ứng viên cho vị trí chăm sóc khách hàng, trợ lý kế toán, giám sát kho, đại diện y tế... nhưng cũng "đỏ con mắt bên phải, tức con mắt bên trái" mà vẫn không tìm nổi người.

Theo dự báo, chỉ riêng tại đầu tàu kinh tế cả nước (TP Hồ Chí Minh), từ nay đến cuối năm, các DN cần 20% lao động có trình độ đại học, cao đẳng trở lên; 40% có trình độ trung cấp, công nhân kỹ thuật. Riêng lao động có trình độ sơ cấp, lao động phổ thông vẫn chiếm đến 40%. Dễ nhận thấy là nếu như trước đây, DN chỉ khát lao động có chuyên môn, có trình độ thì nay còn "bí" cả nhóm lao động phổ thông. Đây cũng là tình trạng chung trên toàn quốc, đặc biệt trầm trọng đối với các DN tại khu vực đô thị. Tại sao vậy? - Lương của người lao động quá thấp, đến mức họ không đủ chi tiêu, chưa nói đến việc dành dụm phòng khi thất cơ lỡ vận. Rất nhiều hội thảo về vấn đề này đã được tổ chức và hầu như các ý kiến, từ nhà quản lý đến chuyên gia đều thống nhất rằng, không phải người lao động quay lưng với đồng lương (thấp), với DN mà chính DN và đồng lương quay lưng lại với người lao động.

Cách đây vài năm, một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam là nguồn nhân công giá rẻ. Tuy nhiên, mô hình tăng trưởng (của DN và nền kinh tế) dựa trên lao động rẻ mạt (và khai thác tài nguyên...) đã đến hồi chấm dứt. Ở góc độ quản lý nhà nước và an sinh xã hội, cũng đã đến lúc chấm dứt mô hình này bởi nếu kéo dài chỉ dẫn tới bất ổn, trước hết là đối với nền kinh tế. Trong mọi trường hợp, rất khó nói cụ thể lương (thưởng, phụ cấp...) nhân công "phải" chiếm bao nhiêu phần trăm trong hạch toán chi của DN nhưng nếu như đồng lương không đủ để người lao động trang trải, DN còn... "ngứa mắt, đỏ mắt" tìm.

Trung Nguyên