Chiếm lĩnh thị phần - cách nào?
Kinh tế - Ngày đăng : 06:45, 25/07/2010
Metro, thương hiệu bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam. |
Nhiều tiềm năng, nhưng chưa chuyên nghiệp
Thị trường bán lẻ ở nước ta được coi là nhiều tiềm năng, với hơn 80 triệu dân, đứng thứ 13 trong tổng số hơn 200 nước trên thế giới. Nhiều nhà phân phối nội địa như Hapro, Sài Gòn Co.op... đã mở rộng hệ thống siêu thị ra các địa phương khác nhằm chiếm lĩnh thị trường, sẵn sàng cạnh tranh.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, sau 3 năm gia nhập WTO, hệ thống phân phối bán lẻ của nước ta còn nhiều bất cập, thiếu chuyên nghiệp. Việc mở cửa thị trường bán lẻ cũng tạo áp lực lớn đến các nhà sản xuất cũng như các nhà phân phối trong nước. Được biết, hơn 90% doanh nghiệp (DN) trong nước có quy mô vừa và nhỏ, nên không thể tự tổ chức hệ thống phân phối. Bên cạnh đó, khả năng liên kết và tài chính đều hạn chế, nên sẽ mất lợi thế trong khi đàm phán ký hợp đồng khi thu mua và thanh toán...
Sau hơn một năm "mở cửa" hoàn toàn cho các DN có 100% vốn nước ngoài (1-1-2009), không như dự đoán, hiện mới chỉ có vài tập đoàn bán lẻ nước ngoài có quy mô tương đối lớn hoạt động tại Việt Nam, như Metro Cash&Carry (Đức), Bourbon (Pháp), Parkson (Malaysia)... Tập đoàn Lotte Mart (Hàn Quốc) mới chính thức tham gia thị trường bán lẻ Việt Nam. Việc nước ta đã mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ theo lộ trình gia nhập WTO, để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường phân phối sẽ làm thị phần sản phẩm nội địa nhỏ lại, nhưng cũng buộc các DN trong nước phải vươn lên cạnh tranh, tạo kênh phân phối, đồng thời giữ được vai trò dẫn dắt thị trường.
Các chuyên gia cho rằng, thị trường bán lẻ nội địa vẫn còn nhiều khoảng trống cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Song vấn đề đặt ra là các DN trong nước cần nắm bao nhiêu thị phần bán buôn và chi phối thế nào với thị phần bán lẻ?
Chuyển "nhược điểm" thành "ưu điểm"
Theo Bộ Công thương, thị trường bán lẻ hiện nay là một kênh phân phối lớn. Đây là khâu quan trọng để gia tăng giá trị hàng hóa và thu được lợi nhuận cao. Bên cạnh đó, các công ty bán lẻ thế giới khi vào nước ta có ưu thế là trường vốn, họ có thể đặt những đơn hàng lớn, vì thế giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng sẽ hấp dẫn hơn. Khi tham gia thị trường bán lẻ, các nhà kinh doanh nội địa có nhiều công đoạn chưa hợp lý trong hệ thống lưu thông, nên không ít mặt hàng của ta giá rất cao.
Tuy nhiên, các DN trong nước biết thị hiếu, thói quen tiêu dùng của người Việt Nam, nên dễ có những điều chỉnh phù hợp, điều mà các công ty nước ngoài chưa thể làm được trong ngày một ngày hai. Đánh giá về vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng, phong cách phục vụ của các DN bán lẻ Việt Nam chưa chuyên nghiệp, nhưng bù lại họ rất linh hoạt, sáng tạo trong việc đưa hàng đến tay người tiêu dùng. Chẳng hạn, với hệ thống phân phối hàng hóa bằng xe máy, các đại lý bán lẻ đã đưa hàng đến tận vùng xa xôi hẻo lánh - điều mà các công ty nước ngoài chưa làm được. Một điều quan trọng nữa là hiện nay khoảng 80% hàng hóa của nước ta vẫn được phân phối theo hệ thống chợ và cửa hàng nhỏ lẻ ở khắp các địa bàn. Do vậy, trước mắt chúng ta có thể chuyển "nhược điểm" thành "ưu điểm" trong việc tạo thói quen cho người tiêu dùng mua sắm trong các chợ truyền thống.
Tuy nhiên, xét về lâu dài, nếu hệ thống bán lẻ trong nước muốn tồn tại và phát triển phải có sự thay đổi về cơ bản. Trước hết, để thoát khỏi việc phân phối manh mún nhỏ lẻ, các DN phải liên kết, góp vốn tạo thành những tập đoàn phân phối lớn, như vậy mới có khả năng cạnh tranh với những tập đoàn phân phối "khổng lồ" của nước ngoài. Nếu hàng Việt Nam có chất lượng cao có giá hợp lý, phân phối thuận tiện nhất định sẽ được người Việt Nam tin dùng.