Chuyện cũ lặp lại ?
Kinh tế - Ngày đăng : 06:34, 25/07/2010
Hiện tượng cấp phép đầu tư dự án tràn lan kéo theo năng lực sản xuất thép trong nước đang dư thừa đến mức đáng lo ngại. Điển hình, công suất thép cán nguội hiện là 2,5 triệu tấn/năm trong khi sản xuất năm 2009 chỉ có trên 481 ngàn tấn, dư thừa hơn 2 triệu tấn công suất; công suất thép cán xây dựng là 7,83 triệu tấn nhưng sản xuất chỉ trên 4 triệu tấn, dư thừa gần một nửa năng lực. Công suất các nhà máy sản xuất phôi thép là 5,73 triệu tấn, nhưng thực tế sản xuất chỉ đạt khoảng 2 triệu tấn. Công suất sản xuất ống thép hàn là 1,3 triệu tấn/năm, nhưng thực tế sản xuất chỉ đạt trên 473 ngàn tấn/năm. Công suất thép lá mạ kim loại là 1,2 triệu tấn/năm, nhưng sản xuất chỉ đạt 816 ngàn tấn/năm.
Việc các địa phương tiếp tục cấp phép đầu tư không theo quy hoạch dẫn đến nghịch lý thừa và thiếu. Thiếu là thiếu sản phẩm thép chất lượng cao, nhưng lại quá dư thừa thép xây dựng thông dụng. Hậu quả là các nhà máy phải vận hành thấp hơn công suất thiết kế rất nhiều, gây lãng phí lớn và giảm đáng kể hiệu quả kinh tế.
Ngay từ đầu năm 2008, tức là chỉ vài tháng sau khi Quy hoạch phát triển ngành thép giai đoạn 2007 đến 2015 được Chính phủ phê duyệt, những cảnh báo về tình trạng dư thừa công suất thép trong nước, mất cân bằng cung cầu thép, mất cân bằng về năng lượng và cơ sở hạ tầng, lãng phí vốn đầu tư xã hội... đã được nhiều chuyên gia kinh tế liên tục cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng năm này qua năm khác, tình trạng đầu tư tràn lan, theo phong trào trong ngành thép vẫn không thay đổi.
Ngành sản xuất thép trong nước đang phải đối mặt với sức ép cạnh tranh khốc liệt không chỉ đến từ khu vực ASEAN (với mức thuế suất nhập khẩu thép là 0%) và từ cường quốc sản xuất thép Trung Quốc (với năng lực sản xuất thép lớn nhất thế giới) mà còn từ chính các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Theo tính toán, nếu các dự án trên đây được thực hiện đúng tiến độ thì vào năm 2020, Việt Nam sẽ có trên 40 triệu tấn thép, gấp 1,5 lần nhu cầu của đất nước. Không hiểu khi đó các doanh nghiệp có tìm được đầu ra cho thép hay không? Hay là bài học cay đắng về đầu tư tràn lan, kém hiệu quả kiểu "mía đường" trước đây sẽ lặp lại?