Một sáng kiến, nhiều lợi ích

Đời sống - Ngày đăng : 05:51, 25/07/2010

(HNM) - Thực hiện Dự án 3R (reduce, reuse, recycle - giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế), Liên chi đoàn - Liên chi hội Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học tự nhiên đang xây dựng mô hình hố rác di động phục vụ phân loại và xử lý rác thải nông thôn.

Nhóm sinh viên Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học tự nhiên đã tìm hiểu, khảo sát ở một số địa phương của tỉnh Hải Dương và Nam Định, nhất là các xã do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, trong đó tình trạng ô nhiễm rác thải sinh hoạt và chất thải làng nghề đang đe dọa môi trường sống của nhân dân. Sau đợt khảo sát, nhóm đã có sáng kiến triển khai chương trình hố rác di động và bắt tay vào triển khai thí điểm tại khu vực nông thôn của các huyện Tứ Kỳ (Hải Dương), các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy (Nam Định).

Trương Thúy Mai, Trưởng nhóm thực hiện dự án cho biết: Đây là cơ hội để sinh viên Khoa Môi trường phát huy những kiến thức đã học, đồng thời cọ sát thực tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Sau gần 1 năm triển khai, theo đánh giá của các nhà khoa học, chất lượng môi trường sống được cải thiện và từng bước nâng cao, ý thức người dân trong việc giữ gìn vệ sinh chung có những chuyển biến tích cực. Đến nay đã có 130 hố rác di động được xây dựng tại các địa phương.

Quá trình triển khai xây dựng các hố rác di động, cùng với chiến lược truyền thông bảo vệ môi trường đã nâng cao ý thức cho người dân về hậu quả tình trạng ô nhiễm môi trường và sự cần thiết của vấn đề phân loại và xử lý rác thải tại nguồn. Đặc biệt, tại các địa phương, cán bộ và người dân rất tích cực hưởng ứng thực hiện mô hình thu gom, xử lý rác sinh hoạt tại hộ gia đình và cơ quan. Ở nhiều nơi, các ngành, đoàn thể như phụ nữ, cựu chiến binh, nông dân... còn đứng ra đảm trách việc tập huấn và hướng dẫn sử dụng, xây dựng hố chôn lấp rác di động.

Trưởng ban Thanh niên Trường học Thành đoàn Hà Nội Trần Anh Tuấn cho biết: Qua khảo sát bằng phiếu điều tra tại các địa phương sau khi triển khai mô hình, 100% người dân hiểu tác hại của việc ô nhiễm môi trường sống do rác sinh hoạt. Trước đây, tới 90% người dân chưa biết cách xử lý rác sinh hoạt, nhưng nay tại các nơi triển khai dự án hố rác di động, cán bộ và nhân dân địa phương đã hiểu lợi ích của việc thực hiện mô hình này.

Việt Tuấn