Bất thường hay bình thường?
Kinh tế - Ngày đăng : 05:46, 25/07/2010
Theo ông, như bất kỳ sản phẩm nào khác, thương hiệu bất động sản là dấu hiệu đầu tiên để mọi người nhận biết. Việc xây dựng thương hiệu tương tự những sản phẩm khác, thậm chí còn quan trọng hơn vì đây là loại hình đòi hỏi đầu tư lớn. Thương hiệu bất động sản tốt giúp doanh nghiệp cũng như tòa nhà của họ đứng vững.
Không phải các chủ đầu tư dự án bất động sản, khu đô thị không nhận thức được điều này. Không những vậy, họ còn làm rất oách, rất hoành tráng, bắt đầu từ cái tên (dự án). Chưa có khảo sát chính thức nào nhưng hầu như dự án nào cũng được đặt tên ngoại, chẳng hạn: Eco Park, Conic Riverside, Cheery Apartment, Ocean View Manor, Clever... Nghe cứ như thể Việt Nam là... nước ngoài. Sau khâu đặt tên là khâu truyền thông, tiếp thị được tổ chức rầm rộ. Chỉ có điều, yếu tố cốt lõi, quan trọng nhất, lại là chất lượng sản phẩm.
Vừa qua, nhiều cư dân sống tại chung cư cao cấp Golden Westlake (số 151 phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) toát mồ hôi hột vì bị "cưỡng bức" chọn "một trong hai đề" - hoặc thuê chỗ đỗ ô tô với mức giá "ngất ngây" là 3 triệu đồng một tháng hoặc 751 triệu đồng trở lên đối với một suất mua đứt. So với mặt bằng chung tại các chung cư cao cấp, đây là mức giá đắt nhất từ trước đến nay. Cũng may là "ông chủ" của Golden Westlake sau khi chịu nhiều sức ép đã phải hạ mức phí đỗ ô tô xuống 1 triệu đồng/tháng thay vì buộc người ta mua đứt.
Trước đó, tại khu chung cư siêu cao cấp The Manor (Hà Nội), nhiều khách hàng cũng "bốc hỏa" trước cung cách áp đặt phí, lệ phí của chủ đầu tư. Còn tại The Manor TP Hồ Chí Minh, khách hàng vớ phải "sản phẩm lỗi" nhưng vẫn phải kiện ngược, kiện xuôi mới được bồi thường. Hàng loạt dự án bất động sản khác chậm tiến độ, phá vỡ cam kết hợp đồng (với khách hàng), thậm chí có dấu hiệu lừa đảo...
Các chủ đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam xây dựng thương hiệu bất động sản kiểu ấy đấy.
Họ tự cho mình mới là thượng đế... Sản phẩm của họ thì miễn bàn. Và tuy có bất thường ở các nước khác nhưng là rất bình thường ở Việt Nam, họ vẫn rất phát tài.
Nói chung là như vậy...
Mọi lời khuyên đều có ích. Nhưng hình như ông Brett Ashton không hiểu gì về thị trường bất động sản Việt Nam dù am hiểu lĩnh vực này một cách... nói chung. Ít ra, đến thời điểm này và có khi cả chục năm nữa, doanh nghiệp không cần đến lời khuyên ấy.
Thương hiệu... có vấn đề nhưng các dự án, các tòa nhà của doanh nghiệp bất động sản vẫn không chỉ đứng vững mà còn tăng trưởng thuận lợi. Sự ngang trái này còn tiếp diễn đến bao giờ?