Phim tài liệu: Đổi mới hay xếp kho?
Văn hóa - Ngày đăng : 13:03, 24/07/2010
Một cảnh trong phim "Phương Khùng"
(HNMO)- Lâu nay, mỗi khi đề cập đến phim tài liệu, khoa học, mọi người đều chia sẻ, nào là thiếu đầu ra, hay chỉ là phim “dọn bãi” cho các buổi chiếu phim truyện, và quá ít cơ hội ra rạp một cách danh chính, ngôn thuận. Lại nữa, còn có ý kiến trách cứ rằng, hãn hữu lắm phim tài liệu mới được chiếu trên một số kênh truyền hình thì rơi vào những giờ nhiều người đã đi ngủ, hoặc trùng phim truyện của kênh khác, nên chẳng ai xem…Nghĩa là muôn vàn chuyện bị hắt hủi.
Nhưng mới đây, tuần lễ phim tài liệu quốc tế, gồm 10 bộ phim tài liệu của châu Âu và Việt Nam, vừa diễn ra tại Hà Nội, từ 21 đến 25-6- 2010, đã tạo nên một không khí khác lạ. Tối nào phòng chiếu ở 465, Hoàng Hoa Thám, khoảng 300 ghế, cũng đều kín khán giả. Vậy liệu có chuyện người xem đã quay lưng với phim tài liệu, hay ngược lại nhiều phim còn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao với thể loại này?
Sự cạnh tranh khó lường
Trên thực tế, với số lượng phim còn rất ít ỏi hàng năm của Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương (HPTL), thật khó cạnh tranh với các tổ làm phim tài liệu, phóng sự của nhiều kênh truyền hình, trên toàn quốc. Những nhà làm phim tài liệu truyền hình có những đòi hỏi thời sự nhất định và nội dung mang tính báo chí cao nên có sức hấp dẫn người xem. Sự cập nhật đó là sức mạnh mà HPTL khó chen chân vào các giờ vàng để đến với đông đảo khán giả. Chính vì lẽ này, mà mươi năm qua phim tài liệu khủng hoảng đầu ra là có lý, bởi lẽ mỗi năm Nhà nước tài trợ hàng trăm triệu đồng cho HPTL và Hãng phim Giải phóng (phía Nam) để sản xuất phim tài liệu, nhưng phim làm xong không biết chiếu ở đâu, nếu không cam chịu số phận lót đường, dọn bãi.
Bên cạnh đó, HPTL còn vấp phải sự hiện diện của các nhà làm phim tư nhân, với mục đích làm ăn, quảng cáo trên truyền hình, hoặc lưu trữ và chiếu phục vụ khán giả như gia đình, tập thể nhỏ lẻ. Gần đây, phim tài liệu gia đình, như “Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh gửi lại”, cho dù VTV đứng danh và có hỗ trợ chút ít nhưng ngân sách chủ yếu là gia đình bỏ ra sản xuất và tự phát hành. Cùng với phim này, đáng chú ý còn có tác phẩm “Mạn đàm về người man di hiện đại” của đạo diễn nổi tiếng Trần Văn Thuỷ, với mọi chi phí do gia đình anh Nguyễn Lân Bình, cháu nội cụ Nguyễn Văn Vĩnh (nhân vật trong phim tài liệu), tự lo. Những phim dạng xã hội hoá này cũng đến được với nhiều khán giả theo các cách tổ chức khác nhau, như nhân bản DVD hay chiếu tại các khán phòng nhỏ ở gia đình hoặc hàng quán.
Ấy là còn chưa tính đến chuyện hiện nay không ít công ty hoặc các trung tâm truyền thông phối hợp cùng các địa phương làm phim tài liệu, nhằm tới đối tượng khán giả rộng lớn hơn, với các đề tài xã hội, như làng nghề, lễ hội, lịch sử…Mới đây phim tài liệu “Thăng Long- Thành phố rồng bay” của nhóm Nguyễn Thu Thuỷ và Nguyễn Anh Tuấn, đã khởi động là một minh chứng. Họ đã bỏ tiền túi ra để làm một bộ phim tài liệu nghệ thuật khoa học này, với kỹ xảo đồ hoạ 3D, quả là điều đáng để các nhà làm phim tài liệu chuyên nghiệp suy ngẫm.
Cảnh trong phim "Sài Gòn năm 75"
Dấu hỏi qua những thước phim?
Tính đến nay HPTL đã cận kề tuổi 55, với bao sự thăng trầm sâu sắc, cùng với những vinh quang và nhọc nhằn trên con đường dựng nghiệp. Vẫn còn đó phim “Nước về Bắc Hưng Hải”, của NSND Bùi Đình Hạc, HCV đầu tiên của điện ảnh Việt Nam trong LHP quốc tế Mátxcơva năm 1959; và vẫn còn đó những tác phẩm mẫu mực như: “Đầu sóng ngọn gió”, “Luỹ thép Vĩnh Linh của NSND Ngọc Quỳnh; “Một ngày trực chiến” của Phan Nhất Hiên và Phan Trọng Quỳ; “Những cô gái Ngư Thuỷ” của Lò Minh; và còn nữa, theo thời gian là “Nơi chiến tranh đã đi qua” của Vũ Mỹ Lệ, “Trở lại Ngư Thuỷ” của Lê Mạnh Thích, “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai” của Trần Văn Thuỷ hoặc “Một phần năm mươi giây cuộc đời” của NSND Đào Trọng Khánh… Toàn những phim có giá trị thực tiễn lớn lao và ý nghĩa nhân văn cao cả.
Theo dòng lịch sử điện ảnh tài liệu là thể loại phim khai sinh ra nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Các nhà làm phim liệt sĩ đã trả bằng máu để đổi lấy những thước phim vô giá. Vì vậy, các phim tài liệu cũ bao giờ cũng nặng lòng với mất mát đau thương của con người, nêu cao lòng tự hào của dân tộc và vinh quang của tổ quốc. Ấy là một quá khứ hào hùng và khó quên.
Nhưng vì sao giờ đây, đứng trước sự thách thức của thị trường, phim tài liệu lại phải mò mẫm tìm lối ra. Tức là phim được chiếu ở đâu và có đến với người xem hay không. Mới đây, bà Phạm Thị Tuyết, giám đốc HPTL bày tỏ: “Hãng phim Tài Liệu Khoa học Trung ương được giao nhiệm vụ là sản xuất phim để tuyên truyền và lưu trữ cho thế hệ mai sau, còn công tác phát hành số phim làm ra không nằm trong chức năng nhiệm vụ được giao…”
Vậy là cho đến nay cách làm vẫn theo nếp cũ, hầu hết những phim được sản xuất theo đơn đặt hàng của Nhà nước với mục đích tuyên truyền. Với cơ chế bao cấp ấy, mọi chuyện không còn nằm ở những người “làm hàng” nữa, vì họ không cần bán. Phim hay hoặc dở xếp kho cũng không sao, thì thoảng đến ngày kỷ niệm hoặc lễ hội đem ra phục là hoàn thành nhiệm vụ rồi. Theo con số thống kê thì đến 80% phim tài liệu làm xong phải xếp kho. Do đó, câu chuyện đầu ra lại chính nằm ở chỗ này, một khi nghệ sĩ phải dừng bước nửa chừng với đứa con tinh thần của mình, thì khó có thể nói họ đi đến tận cùng số phận của nó. Do đó chất lượng phim mới là chuyện quyết định đầu ra. Đúng như đạo diễn Nguyễn Văn Hướng đã từng nhấn mạnh rằng, dù quảng bá đến đâu thì cuối cùng vẫn phải có phim hay, đề cập tới những vấn đề bức xúc của xã hội, mà phim như vậy chưa nhiều.
Về vấn đề này, đạo diễn Joseph Peaquin, người Italia, đã nhận xét về phim tài liệu Việt Nam: "Chủ đề mà các nhà làm phim tài liệu Việt Nam chọn rất hay, rất đời sống nhưng các là làm phim có vẻ đi quá nhanh, hơi lên gân và giáo điều. Hơn nữa lời bình phim cũng quá nhiều, khiến người xem phải tập trung nghe hơn là khám phá cuộc sống trong phim”.
Mặc dù gần đây thật khó quên một số phim tài liệu của các đạo diễn thời mở cửa, họ đều có những tác phẩm thật sự xuất sắc như “Chị Năm khùng”, “ Những nẻo đường công lý” của Lại Văn Sinh, hay “Thang đá ngược ngàn”, “Còn lại với thời gian” của Lê Hồng Chương, và “Sự nhọc nhằn của cát” của Nguyễn Thước…Nhưng chính đạo diễn Lê Hồng Chương nguyên giám đốc HPTL cũng phải nhận xét, phim tài liệu hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu thưởng thức của công chúng. Đề tài hay và cấp thiết nhưng cách thể hiện chưa thay đổi nên không hấp dẫn khán giả.
Đổi mới hay lại xếp kho?
Nếu tính chung, tất cả các kênh làm phim tài liệu khác nhau, trên cả nước mỗi năm có tới 200 bộ phim ra đời. Trong khi đó số lượng của HPTL chỉ chiếm gần 10%, mới hay sự cọ xát khá cam go, hoặc sẽ bị mất hút, nếu không có sự nâng cao về nghệ thuật. Không thể mãi mãi với cách làm theo kiểu phát thanh có hình, với một kịch bản trung bình, không chặt chẽ về bố cục và nhiều lời.
Còn về đầu ra, nếu chỉ dừng lại ở khái niệm nơi chiếu phim chính thống, thì quả còn chưa nhập cuộc với thị trường. Quan sát khán giả hồ hởi đến với Tuần lễ phim Tài liệu quốc tế lần thứ hai, mới hay rằng nhu cầu của người xem khá phong phú. Nếu có những phim hay được số hoá hoặc sang đĩa như: “Những linh hồn phiêu bạt”, “Phương Khùng”, “Mê Kông ký sự”, “Ký sự hoả xa”, “Chuyện tử tế”, “Hà Nội trong mắt ai”…Ắt sẽ có nhiều người tìm mua. Khi đó phim tài liệu sẽ đến với từng gia đình chứ không chỉ dừng lại ở rạp chiếu. Và hơn thế, các kênh truyền hình cũng chẳng bao giờ quay lưng, khi trong tay họ có nhiều phương thức hợp tác sản xuất và phát hành thường xuyên. Nhưng để có phim bán được, HPTL cần hướng tới cách thể hiện lạ, với nội dung hấp dẫn. Đúng như đạo diễn nổi tiếng Thierry Michel, người Bỉ, khi sang giảng dậy cho học viên làm phim tài liệu ở Việt Nam đã nói, phim tài liệu là nghệ thuật kể một câu chuyện, hơn là cách làm tư liệu lưu kho của ta. Ông còn nhấn mạnh rằng, trên thế giới phim tài liệu có xu hướng lột tả tất cả các vấn đề ở mọi ngóc ngách của đời sống xã hội. Đến với Việt Nam ông muốn chia sẻ về một cách làm phim mới, hình thức mới và cách kể chuyện mới. Vậy mỗi năm, HPTL chỉ làm độ mươi phim, không lẽ cứ luôn lo thiếu đầu ra, hoặc lưu kho quả là khó lý giải, nếu không nói là cần làm phim hay hơn nữa.