Người lao động phải tự “làm mới mình”
Đời sống - Ngày đăng : 10:12, 24/07/2010
Thừa thầy, thiếu thợ
Theo số liệu Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP, chỉ số cầu nhân lực trong quý II- 2010 giảm 28%, trong khi đó chỉ số về cung nhân lực tăng 30% so với quý I. Nhìn chung thị trường lao động quý II này bình ổn hơn, nhưng sự mất cân đối trong cơ cấu nghề đang làm khó cho nhà tuyển dụng và người lao động.
Người lao động tìm việc làm
Thực tế hiện nay nhu cầu thị trường lao động cần tuyển nhiều lao động lành nghề, lao động thực hành; thế nhưng số lượng này còn quá ít so với nhu cầu thực tế. Cụ thể thị trường lao động lành nghề cần 9.115 lao động có bằng sơ cấp nhưng chỉ đáp ứng được 825 người; cần 1.970 lao động công nhân kỹ thuật lành nghề nhưng chỉ đáp ứng được 1.280 người; cần 15.885 lao động có chứng chỉ trung cấp nghề nhưng chỉ đáp ứng được 9.060 người. Trong khi đó lực lượng lao động có trình độ lý thuyết cao lại thừa gần gấp đôi so với nhu cầu của thực tế (cầu thị trường là 10.632 lao động tốt nghiệp đại học, cung 16.243 người).
Ngoài ra còn có một thực tế, là mức lương các nhà tuyển dụng hiện nay trả thường thấp hơn từ 30 đến 40% so với yêu cầu của người lao động. Trên 50% số người lao động có trình độ đại học có từ 1 năm kinh nghiệm trở lên, có chuyên môn, tay nghề đều yêu cầu mức lương là 5 triệu đồng/tháng; nhưng phần lớn các doanh nghiệp chỉ trả bình quân 3 triệu đồng/tháng. Đối với lao động phổ thông, sơ cấp nghề mức lương mong muốn tìm việc làm từ 2 - 3 triệu đồng/tháng, trong khi mức lương rao tuyển mà doanh nghiệp đưa ra chỉ từ 1,5 - 1,8 triệu đồng/tháng. Điều này càng làm cho tình trạng thiếu hụt nhân lực và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng do cung và cầu lao động không thỏa mãn được điều kiện của nhau. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP cho biết: Trong khi nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP vẫn "đói" về nguồn nhân lực thì tỷ lệ lao động thất nghiệp vẫn còn nhiều. Do đó để giải quyết nghịch lý giữa cung và cầu lao động đòi hỏi chúng ta nên chú trọng trong vấn đề đào tạo, đặc biệt là cân đối giữa đào tạo lao động thành thạo nghề với lao động có trình độ lý thuyết cao.
Phải "tự làm mới mình"
Nhằm giải quyết đầu ra cho vấn đề cung và cầu về người lao động, trong 6 tháng đầu năm 2010, TP đã giải quyết việc làm cho hơn 126.854 lượt lao động. Với 21.761 người lao động đăng ký thất nghiệp, trong đó xét trợ cấp thất nghiệp cho 10.239 lao động, trong tổng số 15.042 lao động đăng ký nộp hồ sơ. Theo dự báo, 6 tháng cuối năm còn lại là giai đoạn mà các doanh nghiệp sẽ tập trung cho các hoạt động sản xuất, quảng cáo, tiếp thị, kinh doanh... Do đó thị trường việc làm sẽ cần một lượng lớn người lao động có trình độ ở các nhóm ngành nghề marketing - nhân viên kinh doanh, quản lý điều hành, dịch vụ, cơ khí, điện tử - tin học, hóa chất, chế biến lương thực - thực phẩm, xây dựng... Chính vì vậy trung tâm giới thiệu việc làm TP chọn ngày 15 hằng tháng để tổ chức sàn giao dịch việc làm nhằm giúp người lao động tiếp cận được với thông tin nhà tuyển dụng. Bà Trịnh Thị Quỳnh Chi - Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm TP cho biết: Với nỗ lực giải quyết việc làm cho người lao động, từ đầu năm đến nay trung tâm đã tổ chức thành công 4 sàn giao dịch việc làm cố định. Qua những lần tổ chức, phần lớn số lao động tuyển dụng tập trung vào các nghề như: dịch vụ, dệt may, thủ công mỹ nghệ, lao động phổ thông, quản lý, cơ khí, giao thông vận tải… nhưng mỗi lần cũng chỉ tuyển được khoảng 1.000 lao động.
Tình trạng mất cân đối giữa cung - cầu lao động ở TP Hồ Chí Minh hiện nay là do người lao động chưa thể đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Ngoài ra một số lao động có xu hướng thích "nhảy" việc càng làm tăng khoảng cách giữa nhà tuyển dụng và người lao động do e ngại. Có thể nói vấn đề nghịch lý giữa cung - cầu lao động không phải là chuyện hôm nay mới gặp. Vì vậy trong khi chờ đợi chính sách giải quyết hiệu quả từ phía nhà nước, đòi hỏi cả doanh nghiệp và người lao động phải tự "làm mới mình" để đáp ứng nhu cầu của nhau.